Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 154.835 trường hợp mắc, 39 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 53,1%, tử vong giảm 108 trường hợp.

Tại Hà Nội, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.715 trường hợp sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm hơn 520 ca so với tuần trước đó).

Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là Hà Đông với 180 ca, tiếp đến là Đống Đa có 170 ca, Thanh Oai (161 ca), Phú Xuyên (134 ca), Hoàng Mai (109 ca).

Từ kết quả trên, CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây, nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.

Gần đây, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết xin nhập viện vì sợ tiểu cầu thấp. Hoặc khi thấy chỉ số tiểu cầu tụt, có đề nghị truyền tiểu cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trong công thức máu, chỉ số Hematocrit (Hct) mới là quan trọng để phản ánh mức độ cô đặc máu. Nếu Hct tăng thì có nguy cơ thoát huyết tương, cô đặc máu có thể dẫn đến sốc giảm thể tích.

Nếu qua ngày thứ 5-6 mà không có cô đặc máu, không chảy máu, thể trạng tỉnh táo thì dù tiểu cầu thấp thế nào cũng không cần phải truyền tiểu cầu và nên cho xuất viện, theo dõi tại nhà, tránh quá tải bệnh viện và giảm áp lực cho các Trung tâm huyết học.

Phần lớn các trường hợp giảm tiểu cầu, thậm chí xuống rất thấp (dưới 10 G/L), cũng không gây xuất huyết và sau đó đều tự hồi phục sau 7-10 ngày. Trong khi các trường hợp tử vong thường do đến viện muộn, máu bị cô đặc gây sốc, rối loạn đông máu và suy đa tạng, xử trí lúc này hết sức khó khăn.