Thay vì xét nghiệm diện rộng trên toàn dân thì nay chỉ xét nghiệm những trường hợp nguy cơ. Đây là nội dung công văn được Sở y tế TP Hà Nội gửi đến các đơn vị liên quan trong ngày hôm qua 18/9.

Theo ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), thời gian tới việc xét nghiệm trên địa bàn sẽ thay đổi theo hướng thu hẹp quy mô, lấy mẫu những người có yếu tố dịch tễ, khu phong tỏa, khu vực nguy cơ cao; không thực hiện xét nghiệm diện rộng như thời gian qua.

"Trước đây, thành phố xét nghiệm diện rộng để ước đoán nguy cơ, tránh bỏ sót. Nhiều ca mắc không có triệu chứng, hoặc người mắc di chuyển khu vực, nếu bỏ lọt sẽ thành các ổ dịch lây lan nguy hiểm", ông Việt nói.

Đến nay thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh nên thay đổi quy mô xét nghiệm cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn cũng đồng tình với chủ trương, thời gian sắp tới Hà Nội cần chuyển từ xét nghiệm diện rộng sang tầm soát những địa bàn và nhóm dân số có nguy cơ cao. Bởi sau khi đã vẽ lại được bản đồ dịch tễ, thành phố cần thu hẹp diện xét nghiệm. "Vùng đỏ vẫn nên duy trì xét nghiệm toàn dân bằng cách lấy mẫu đại diện hộ gia đình. Những nơi khác, nên thường xuyên xét nghiệm ngẫu nhiên hoặc nhóm nguy cơ cao", ông Tuấn đề xuất.

Đồng thời, ông Tuấn lưu ý, ngành y tế thủ đô nên tăng cường hướng dẫn để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, vừa tránh quá tải cho lực lượng y tế, vừa đảm bảo không tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu.

Ở góc độ khác, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích, các đợt xét nghiệm diện rộng của Hà Nội vừa qua như "những lát cắt ngang" để ngành y tế thủ đô thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu thành phố lựa chọn mẫu xét nghiệm tại những vùng nguy cơ cao hoặc nhóm dân số nguy cơ cao, thì sẽ "tiết kiệm được nhiều nguồn lực và công sức của nhân viên y tế". Để làm được điều này, đòi hỏi phải có quá trình điều tra dịch tễ, để nắm được cụ thể các địa bàn và nhóm nguy cơ.

Hơn nữa, ông Nga cho rằng số lượng mẫu xét nghiệm càng lớn thì khả năng sai số càng cao, bởi ảnh hưởng của nhiều yếu tố như các lấy mẫu, cách xét nghiệm... "Thực tế thời gian qua Hà Nội ghi nhận ít ca F0 trong cộng đồng. Điều đó cho thấy ý thức phòng chống của người dân được nâng cao, các giải pháp đồng bộ đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh chứ không chỉ nhờ vào xét nghiệm diện rộng", ông Nga nói.