Nhiều bệnh viện, trạm y tế đang thiếu nhân lực trầm trọng
Đã 11h00 trưa nhưng trước cổng trạm y tế phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn còn nhiều người đứng xếp hàng chờ được làm các thủ tục xác nhận F0 khỏi bệnh và chế độ nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Hôm nay là ca trực của chị Nguyễn Thu Hà – điều dưỡng ở trạm. Chị Hà cho biết: Một ca trực thường bắt đầu từ 8h sáng hôm trước đến 8h ngày hôm sau. Nhiệm vụ của người trực là tiếp dân, giải đáp các thắc mắc và làm thủ tục giấy tờ cho các F0. Đến 16h00 sẽ tổng hợp thống kê những ca F0 mới ghi nhận trong ngày và F0 hết thời gian cách ly rồi gửi thống kê lên UBND phường để làm quyết định.
Đó là chưa kể tiếp nhận F0 khai báo online, tư vấn sức khỏe cho F0 điều trị ở nhà, thậm chí có những đêm F0 gọi điện báo cấp cứu thì chị Hà dường như không được ngủ. “Có đêm ca F0 trở nặng nhiều thì mình cùng với cán bộ tổ Covid cộng đồng mang bình oxy đến cấp cứu bệnh nhân và hướng dẫn người bệnh chuyển viện” – chị Hà kể.
8h sáng hôm sau hết ca trực nhưng điều đó không có nghĩa chị được nghỉ mà làm tiếp công việc của ngày tiếp theo như đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, thực hiện tiêm chủng mở rộng…
Trạm y tế phường Phương Liên có 9 cán bộ nhân viên y tế, hiện nay đang có 3 nhân viên là F0, điều đó cũng đồng nghĩa số lượng công việc của mỗi người còn lại nhiều hơn. Chỉ gói xôi mua để ăn sáng nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong túi, chị Hà cho biết: “Đấy gói xôi mua lúc sáng còn chưa kịp ăn, dân ra đông quá còn phải tư vấn cho người ta, trưa nay chồng mang suất cơm đến chắc chỉ có 10 phút để ăn còn kịp giờ làm gửi công văn cho UBND phường. Bây giờ các chị em ở trạm ai cũng như thế hết, mọi người đang chúi mũi làm mọi thứ”.
Đấy là thời gian làm việc của một nhân viên y tế được phân công trực đêm trong tuần, những người còn lại sẽ đi làm từ 7 sáng đến 7 giờ tối mới về. Thế nhưng không có nghĩa về đến nhà là đã được nghỉ ngơi. Chị Vũ Thu Trang – một điều dưỡng của trạm y tế phường Phương Liên cho biết: Điện thoại của tất cả cán bộ y tế của trạm đều công bố đến từng tổ dân phố nên mọi người gọi suốt. Tối về tư vấn cho dân, nhắn tin trực tiếp hoặc qua zalo. Nhiều khi 11h-12h đêm vẫn có người gọi.
Gần như 2 năm qua, tất cả cán bộ ở đây đều không có ngày nghỉ. Cũng có những lúc mệt mỏi, chán nản, nhiều chị ước trở thành F0 để còn được “nghỉ dưỡng”. Thế nhưng điều đó lại trở nên quá “sa sỉ” vào lúc này.
“Nhiều khi chị em cứ nói đùa với nhau là mong được là F0 để được nghỉ ở nhà thế nhưng khi mình là F0 rồi thì có được đâu. F0 ở nhà nhưng không bao giờ dám tắt điện thoại, người dân vẫn gọi đến khai báo, mình lại làm online giải quyết thủ tục giấy tờ. Mệt lắm, may chồng trong ngành còn thấu hiểu chứ nhiều nhà vợ chồng còn cãi nhau suốt, con cái vứt lăn lóc, bây giờ con em đang F0 ở nhà mà có chăm được đâu. Sức người có hạn thôi, nói chung chán mệt mỏi lắm rồi” – Lau những giọt nước mắt tủi thân khi nhắc đến con, chị Trang xúc động chia sẻ.
BS Trần Huy Long – Trưởng trạm y tế phường Phương Liên cho biết, hiện nay, phường đang quản lý 500 ca F0 điều trị ở nhà, trung bình một ngày có hơn 100-200 ca mắc mới. Số F0 tăng nhanh trong khi lực lượng nhân viên mỏng khiến không ít người mệt mỏi, chán nản, trong đó có những người muốn xin nghỉ việc.
Ông Nguyễn Đức Tuấn – GĐ TTYT Quận Đống Đa cho biết: câu chuyện ở trạm y tế phường Phương Liên đang là tình trạng chung trên địa bàn. Với 60% số nhân viên y tế mắc Covid-19, Trung tâm Y tế quận hiện đang thiếu nhân lực trầm trọng. Vì thế, áp lực đang bủa vây khi nhiệm vụ vẫn không ngừng tăng lên cùng với số ca nhiễm mới gia tăng chóng mặt mỗi ngày.
“Có những trạm y tế 100% cán bộ y tế mắc Covid-19. Trạm y tế Ô Chợ Dừa, Quang Trung, Cát Linh chỉ còn 1 mình trạm trưởng chưa mắc. Trong khi đó đầu việc thì nhiều mà phải cùng lúc chăm sóc, quản lý F0, tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, chứng nhận giấy tờ để F0 hưởng BHXH, đồng thời quản lý những bệnh không lây, tiêm chủng mở rộng… Đó là chưa kể có thời điểm F0 ở phường ghi nhận lên đến 300 người/ngày.… Tất cả đều phải căng mình ra để làm, áp lực rất lớn” – Ông Nguyễn Đức Tuấn nhấn mạnh.
Nhân lực đã thiếu do nhiễm Covid-19, thêm vào đó, số lượng người xin nghỉ việc mỗi năm một tăng. Ông Tuấn cho biết, năm 2020, có 11 nhân viên y tế của Trung tâm Y tế quận Đống Đa xin thôi việc, năm 2021 có 12 người. Lý do chủ yếu là do thời gian qua, công việc căng thẳng mệt mỏi, nhiều người không còn tâm huyết với nghề. Vì vậy, muốn giữ chân được họ thì rất cần sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ vì đời sống nhân viên y tế cơ sở rất khó khăn, hằng ngày họ đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, dịch bệnh.
Bệnh viện xoay xở nhân lực ở đâu?
Những áp lực vì thiếu nhân lực của các đơn vị y tế, đặc biệt là y tế cơ sở hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, trước yêu cầu không được phép gián đoạn, đứt gãy các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, buộc các bệnh viện, trạm y tế phải tìm các giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm y tế Quận Đống Đa cho biết, đơn vị có 21 trạm y tế, 3 phòng khám đa khoa, 1 nhà hộ sinh, 2 cơ sở điều trị cai nghiện và HIV/AIDS, chính vì vậy, nhân lực sẽ được điều động liên tục theo hướng ưu tiên tối đa cho các hoạt động chăm sóc người nhiễm Covid-19.
“Trung tâm đã điều động nhân viên từ các khoa phòng, từ trạm y tế có số người nhiễm thấp đến trạm y tế có người nhiễm cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng được 30 bác sỹ của BV Bạch Mai hỗ trợ và phụ trách các trạm y tế lưu động, giúp các vấn đề về chuyên môn và tư vấn cho nhân dân. Trung tâm cũng phối hợp với trường Cao đẳng y tế công cộng cử 30 sinh viên tình nguyện đến hỗ trợ”, ông Tuấn bày tỏ.
Hiện một số tỉnh thành như Long An, TP HCM đã cho phép F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Và cách làm này cũng đang được một số bệnh viện lớn thực hiện.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết: Bệnh viện huy động các nhân viên F0 không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ tình nguyện thì vẫn đi làm bình thường.
“Vì các nhân viên y tế bị lây nhiễm từ cộng đồng nên các y bác sỹ tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 lại không bị nhiễm, do chúng tôi bảo hộ rất tốt trong quá trình làm việc. Vì thế, bệnh viện sẽ đảo quân, để những nhân viên này trở lại làm việc tại BV Đại học Y cơ sở ở số 1 Tôn Thất Tùng, Hà Nội. Còn những nhân viên F0 sẽ chăm sóc bệnh nhân Covid-19”, bác sỹ Hoàng Bùi Hải cho biết thêm.
Để tối ưu hóa nguồn nhân lực y tế, kể cả khi họ là F0, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện cũng tiếp nhận cả các bệnh nhân nhiễm Covid có bệnh lý nền nặng, hoặc cấp cứu tại Cơ sở số 1 Tôn Thất Tùng (trước chỉ tiếp nhận tại cơ sở 2 chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Yên Sở, Hoàng Mai). Chính vì thế, đội ngũ nhân viên y tế F0 sẽ được giao phụ trách chăm sóc và điều trị nhóm bệnh nhân này.
Ngoài ra, các nhân viên y tế sẽ được trở lại làm việc ngay sau khi xét nghiệm âm tính với Covid-19 và thường rất nhanh chỉ sau 4 ngày. Chính vì vậy, sự thiếu hụt nhân lực tại bệnh viện này không kéo dài.
Dịch Covid-19 với biến chủng Omicron làm gia tăng về số lượng người nhiễm, tuy nhiên, số bệnh nhân nặng không tăng do được tiêm phòng vaccine. Chính vì thế, không gây quá tải lên các bệnh viện.
“So với đợt trước người dân hoảng loạn, đòi vào viện thì đợt này điều trị tại nhà tốt hơn, thuốc men đầy đủ hơn... vì thế dù nhân lực có thiếu thốn nhưng bệnh viện vẫn có thời gian xoay xở được”, bác sỹ Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia về dịch tễ, nước ta vẫn chưa chạm đến đỉnh dịch, điều đó cũng có nghĩa là số lượng người nhiễm Covid-19 vẫn sẽ còn gia tăng và tiếp tục tác động đến nhân lực của các bệnh viện và cơ sở y tế. Đánh giá sớm tình hình và chủ động tìm giải pháp là cách tốt nhất để không làm gián đoạn các hoạt động, dịch vụ chăm sóc người bệnh. Và điều này cũng minh chứng là đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức, đánh giá và hành động khi Covid-19 chuyển sang giai đoạn mới.