Nhiều bệnh nhân Covid-19 bị ảnh hưởng sức khỏe thần kinh, tâm thần

Ông Trần Ngọc Hòa, 60 tuổi ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM mắc Covid-19 từ tháng 8 năm 2021 nhưng đến thời điểm này sức khỏe ông vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Ông cho biết, ông hay bị hụt hơi, người mệt mỏi, sau khi khỏi Covid-19, sức khỏe chỉ được 8 phần so với trước.

“Hậu Covid sức khỏe ảnh hưởng rất nhiều. Gần 2 tháng bị đau đầu, đau kinh khủng. Có những thời điểm đau đầu mà cảm tưởng như lại mắc Covid. Bây giờ thì hết đau đầu nhưng bị mất ngủ. Cứ nằm nhắm mắt thôi nhưng không ngủ được”- ông Hòa chia sẻ.

Không chỉ mất ngủ kéo dài, bà Lê Tuyết Mai, 77 tuổi ở Hà Nội còn có dấu hiệu của bệnh lo âu, trầm cảm sau khi mắc Covid-19. Được biết trước đó bà Mai có tiền sử tai biến mạch máu não, khi mắc Covid-19 bà phải điều trị thở máy 2 tuần. Sau khi ra viện, bà Mai không tự sinh hoạt bình thường mà cần có sự trợ giúp của con cái. Gia đình đã phải đưa bà Mai đi khám "hậu Covid-19" để các bác sỹ can thiệp điều trị sức khỏe tâm thần, tránh tình trạng bệnh trầm cảm tiến triển nặng hơn.

Những ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh, tâm thần của hậu Covid-19

Theo bác sĩ Bùi Văn San - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, có khoảng 40-60% bệnh nhân có biểu hiện căng thẳng, lo lắng hay các rối loạn thần kinh, tâm thần sau khi khỏi Covid-19. Các biểu hiện thường gặp như người bệnh than phiền về chất lượng giấc ngủ kém hơn trước, kém tập trung trong công việc, mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp mắc Covid-19 nặng có thể để lại di chứng tâm thần như loạn sản, loạn thần, âu lo, trầm cảm.

Hiện cơ chế của tình trạng rối loạn thần kinh tâm thần hậu Covid-19 vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, theo BS San, có 3 thuyết nguyên nhân lý giải mối liên quan giữa Covid-19 và sức khỏe tâm thần. Thứ nhất, Covid-19 làm thay đổi môi trường sống khiến con người phải thích nghi. Ví dụ như trường hợp bị phong tỏa, cách ly do mắc Covid-19, thì một số người thích nghi được với hoàn cảnh nhưng cũng có một số bị ảnh hưởng tâm lý. Ngoài ra, ở những bệnh nhân Covid-19 phải trải qua cơn bão Cytokine sẽ tác động đến toàn bộ cơ thể trong đó có chức năng của bộ não dẫn đến những rối loạn về tâm thần. Bên cạnh đó, những nỗi sợ hãi khi chứng kiến những trường hợp mắc Covid rất nặng cũng tác động đến hệ thần kinh của người bệnh.

Để đánh giá mức độ tác động về sức khỏe thần kinh, tâm thần ở nhóm bệnh nhân hậu Covid-19, hiện Viện Sức khỏe Tâm thần đã xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm dành cho người bệnh. Thông thường những trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ có các dấu hiệu rối loạn thần kinh, tâm thần nhẹ thoáng qua như mất ngủ, mệt mỏi, kém tập trung thời gian ngắn. Còn khi các biểu hiện về thần kinh, tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày của người bệnh thì lúc này mức độ bệnh đã trở nặng và cần được can thiệp bởi các chuyên gia y tế.

"Khi người bệnh thấy tình trạng mất ngủ, mệt mỏi kéo dài vài tuần đến vài tháng mà không có dấu hiện thuyên giảm, hay người bệnh kém tập trung, không thể hoàn thành công việc được giao. Rồi thậm chí người bệnh chán nản, rối loạn cảm xúc vui buồn lẫn lộn...thì đây là những dấu hiệu cảnh báo cần đi khám chuyên khoa tâm thần để can thiệp kịp thời". BS Bùi Văn San cho biết.

Khi đó, những tư vấn chuyên sâu về sức khỏe thần kinh, tâm thần sẽ giúp cho người bệnh biết cách chăm sóc đời sống tinh thần tốt lên, những lo lắng căng thẳng sẽ bớt đi, sức khỏe tâm thần hồi phục cũng đồng nghĩa sức khỏe toàn thân hồi phục. Còn khi các biện pháp tư vấn tâm lý không hiệu quả, bệnh nhân hậu Covid-19 sẽ được chỉ định dùng thuốc hỗ trợ hoặc các liệu pháp tâm lý phù hợp với từng cá nhân.

Bác sĩ Bùi Văn San cũng khuyến cáo một số biện pháp giúp cải thiện đời sống tinh thần cho người bệnh hậu Covid-19:

- Vận động nhiều giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng.

- Giúp trí não hoạt động nhiều hơn như đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ (cờ, giải ô chữ…), nên hạn chế xem tivi mà nên nghe nhạc hay radio.

- Bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết để lưu thông hoạt huyết tốt hơn.

- Hằng ngày cần bổ sung các thực phẩm như rau, trái cây… hạn chế dùng thịt đỏ và các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà phê.