Phần lớn các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái nổi gần đây đều liên quan đến hệ hô hấp như cúm A, đậu mùa khỉ, dịch do adenovirus, sốt xuất huyết. Đã có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng ở bệnh nhân mắc các bệnh lý này...
Liệu có mối liên quan giữa hậu Covid-19 với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh lưu hành?
Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Covid-19 là bệnh mới nổi, chúng ta chưa có nhiều thời gian nghiên cứu về tác động lâu dài của nó, tuy nhiên đã có thể khẳng định virus SARS-CoV-2 khi vào cơ thể sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chính vì thế nguy cơ nhiễm căn nguyên khác hoàn toàn là có thể.
“Người ta tìm thấy SARS-CoV-2 trong nhu mô não, trong tim, trong thận và trong rất nhiều cơ quan khác khi sinh thiết những bệnh nhân tử vong. Chính vì thế khi nhiễm SARS-CoV-2 hệ thống miễn dịch bị suy giảm và đây cũng có thể là một trong những điều kiện thuận lợi để sau khi khỏi Covid-19 có thể dễ dàng nhiễm những căn nguyên khác hơn. Đấy là một giả thuyết và chúng tôi nghĩ rằng cũng có cơ sở”… TS.BS Thân Mạnh Hùng cho biết.
Trong bối cảnh cùng lúc phải đối diện với 3 bệnh truyền nhiễm: Covid-19, cúm A và sốt xuất huyết, TS.BS Thân Mạnh Hùng lưu ý, trong 1-2 ngày đầu các triệu chứng của những bệnh này khá giống nhau. Thường là sốt, viêm long đường hô hấp, ho, đau mỏi người, đau mỏi toàn thân.
Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, làm xét nghiệm chẩn đoán và có phương án theo dõi, điều trị đối với từng loại bệnh.
TS.BS Thân Mạnh Hùng đặc biệt lưu ý, đối với sốt xuất huyết, mỗi thời kỳ bệnh sẽ diễn biến khác nhau: “sốt xuất huyết thường là diễn biến nặng từ ngày thứ tư đến ngày thứ bảy, chính vì thế thì khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo ví dụ như là nhân sốt cao bất thường, có đau tức vùng gan, nôn nhiều, lơ mơ, có biểu hiện xuất huyết…nên đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời”...
Làm gì bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi?
Quan trọng nhất là phải có một cơ thể khỏe mạnh để hệ miễn dịch được khỏe mạnh.
Muốn có một cơ thể khỏe mạnh phải đảm bảo có một chế độ dinh dưỡng tốt, luyện tập thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng và quan trọng là từ bỏ những thói quen không tốt cho sức khỏe như uống rượu bia quá mức, thức khuya, hút thuốc lá…Đảm bảo môi trường sống xung quanh được vệ sinh sạch sẽ để giảm thiểu những mầm bệnh có khả năng gây dịch tồn tại trong môi trường.
Nên tạo miễn dịch chủ động bằng cách tiêm chủng đầy đủ đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vaccine. Khi phát hiện những người đang mang trong mình mầm bệnh truyền nhiễm cần có phương pháp cách ly và báo ngay cho cơ sở y tế.
Đây là những giải pháp căn bản để giúp kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi trong bối cảnh hiện nay.