Ngủ ngáy là tình trạng luồng không khí đi qua đường thở bị hẹp tạo ra âm thanh ồn ào khi ngủ trong vô thức, đây là một vấn đề rất thường gặp trong đời sống. Ngủ ngáy có thể là sinh lý nhưng cũng có thể là một dấu hiệu khởi đầu cho một rối loạn nghiêm trọng hơn được gọi là hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Đây là một tình trạng phổ biến nhất trong các rối loạn hô hấp khi ngủ, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, hay gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới và tăng theo độ tuổi. Theo TS.BS Đào Đình Thi- Trưởng khoa Nội soi- Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, nếu bệnh ở mức độ nặng sẽ gây ra rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Chính vì thế, việc điều trị là điều cần được thực hiện sớm.
“Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ nó là 2 dạng của một bệnh. Ngủ ngáy báo hiệu đường thở đã bị hẹp lại và nó báo hiệu một hội chứng lớn hơn đó là ngưng thở khi ngủ. Hiện nay, bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đang sử dụng phương pháp chẩn đoán cũng như điều trị mang tính chất quốc tế về ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Để xác định chính xác hội chứng ngưng thở khi ngủ thì phải dựa trên 2 bình diện, chẩn đoán và điều trị”- BS Đào Đình Thi nói.

BS Đào Đình Thị cũng nhấn mạnh, việc chẩn đoán chính xác được coi là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả trong điều trị
“Việc chẩn đoán được thực hiện qua 3 giai đoạn khám nội soi để xác định điểm hẹp trong khi thức, ngoài ra để xác định các điểm hẹp khi ngủ chúng ta thực hiện nội soi khi ngủ. Chúng tôi sẽ đưa bệnh nhân vào giấc ngủ sinh lý bằng thuốc, khi bệnh nhân ngáy chúng tôi sẽ nội soi để biết chính xác điểm hẹp ở đâu để đưa ra phương án can thiệp. Ngoài ra, đối với những người bị ngưng thở khi ngủ còn thực hiện phương pháp đo đa ký giấc ngủ để xác định mức độ ngưng thở như thế nào”- BS Thi cho hay.
Đa ký giấc ngủ là một xét nghiệm chuyên sâu về giấc ngủ, bao gồm các kênh để đo điện não đồ, nhãn cầu đồ, điện cơ, điện tim, lưu lượng dòng khí qua mũi miệng, vận động cơ ngực, bụng, nồng độ oxy bão hòa trong máu, tiếng ngáy, xác định vị trí tư thế cơ thể, đo cử động chân, có video để theo dõi diễn biến trong đêm. Nhờ vậy, đa ký giấc ngủ cung cấp được đầy đủ các thông tin về giấc ngủ cũng như các rối loạn khác xảy ra trong giấc ngủ như rối loạn hô hấp, ngừng thở khi ngủ, rối loạn nhịp tim, các bất thường về vận động và hành vi…

TS.BS Đào Đình Thi- Trưởng khoa Nội soi- Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, hiện, bệnh viện đã có đầy đủ cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế để nội soi trong khi ngủ và thực hiện đo đa ký giấc ngủ cho các bệnh nhân. Sau khi được hỗ trợ tối đa từ các phương pháp chẩn đoán, quá trình điều trị sẽ được thực hiện tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân.
“Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương có những phẫu thuật đáp ứng cho phần lớn các trường hợp bị hẹp ở vùng tai mũi họng, nếu ở vùng mũi sẽ xử lý các điểm gây tắc mũi như viêm xoang, chỉnh hình cuốn mũi, tiếp theo đến vùng hầu họng, họng mũi … rồi đến kỹ thuật như nạo VA, tầng tiếp theo là tầng màn hầu như kỹ thuật thu nhỏ màn hầu, đốt Lase màn hầu hoặc làm cứng màn hầu để giảm rung, đỡ gây tiếng… xuống đến amidan thì sẽ cắt amidan, amidan đáy lưỡi mà to quá thì mình gọt bớt đi, xuống đến thanh quản, sụn nắp cũng có thể xử lý được”- BS Thi khẳng định.

Theo đánh giá từ thực tế lâm sàng, hiệu quả điều trị thành công đạt hơn 95% với các trường hợp ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ, chỉ 5% các trường hợp hẹp quá nhiều chỗ và không thể can thiệp bằng phẫu thuật, người bệnh sẽ phải sử dụng thiết bị thở máy áp lực dương liên tục (CPAP) trong khi ngủ. Anh Bùi Xuân Mạnh, 34 tuổi sống tại Hà Nội một bệnh nhân mắc chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ rất nặng.
“Tôi ngủ ngáy to khiến vợ con mất ngủ, mỗi khi uống chút bia hay rượu vào là đêm thường bị giật mình choàng tỉnh. Ban ngày thì uể oải, mệt mỏi, lúc nào cũng buồn ngủ, chỉ lái xe khoảng một tiếng là phải dừng lại chợp mắt một lúc nếu không là có thể ngủ gật trên đường rất nguy hiểm. Nhiều lúc đọc sách mà ngủ gật lúc nào không hay” – anh Mạnh nói.
Sau khi được thăm khám bằng 3 phương pháp, các bác sĩ Đào Đình Thi và các cộng sự tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã xác định được một số điểm hẹp và mức độ ngưng thở khi ngủ của bệnh nhân Bùi Xuân Mạnh.
“Khi bệnh nhân đến với chúng tôi cân nặng 82kg, bệnh nhân đến với lý do ngáy là chủ yếu, sau khi cho bệnh nhân đi đo đa ký giấc ngủ cho thấy bệnh nhân giảm thở, ngừng thở hơn 51 lần/ tiếng, độ bão hòa oxy lúc xuống mức thấp nhất là 40% nhưng vì thể trạng tốt mà vượt qua được. Có tư vấn cho bệnh nhân đeo máy trợ thở nhưng bệnh nhân không áp dụng được vì khá bất tiện. Nội soi khi ngủ xác định hẹp ở vùng màn hầu và amidan sau đó quyết định phẫu thuật cắt màn hầu và amidan và nhu nhỏ cuốn mũi vì bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng và thường xuyên ngạt”- BS Thi cho biết về tình trạng của bệnh nhân.
Sau điều trị phẫu thuật mở rộng các vị trí hẹp trong đường thở, bệnh nhân Bùi Xuân Mạnh đã thực hiện đo đa ký giấc ngủ cho thấy mức độ ngưng thở khi ngủ chỉ còn 9 lần/giờ và độ bão hòa oxy máu là hơn 90% trong toàn bộ thời gian ngủ. Và trên thực tế, anh Bùi Xuân Mạnh đã có những giấc ngủ ngon và loại bỏ các nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng do tình trạng ngưng thở khi ngủ.
“Tôi như được hồi sinh, tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt, ngủ không còn nơm nớp lo khi ngủ, không còn tình trạng ngủ gật vào ban ngày nữa. Bây giờ như người bình thường rồi”- bệnh nhân Mạnh nói.
Chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đột quỵ... Chính vì thế, việc nhận biết chứng bệnh và điều trị đúng cách giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.