Theo bác sĩ Trần Tuấn Bình-Giám đốc TTYT Na Hang, kể từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngành y tế địa phương đã triển khai nhiều chương trình giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân nói chung bà mẹ trẻ em nói riêng đạt hiệu quả - đặc biệt chất lượng của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế có nhiều thay đổi tích cực hơn so với trước, trong đó bao gồm cả công tác truyền thông nâng cao sức khỏe người dân tại địa phương.
Na Hang là huyện vùng cao nằm ở phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó dân tộc Tày chiếm phần lớn gần 60%, dân tộc Dao hơn 23%, dân tộc Kinh gần 10% và dân tộc Mông khoảng hơn 5%, còn lại là các dân tộc khác. Do địa hình vùng núi khó khăn, xa xôi nên nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như cung ứng các dịch vụ y tế cho cộng đồng người dân nơi đây được đặc biệt chú ý như chia sẻ của BS Đỗ Thị Lệ Quyên- Phó Khoa Chăm sóc SK sinh sản- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang.
“Chủ chốt là tuyên truyền. Sau khi tuyên truyền tại tổ xóm thì tuyên truyền tại trạm y tế và trên loa đài truyền thông và có tờ rơi để người dân tìm hiểu. Triển khai bằng nhiều hình thức, loa đài, áp phích, vào trạm y tế tuyên truyền cho y tá thôn bản rồi họ sẽ là những người tuyên truyền trực tiếp cho bà con”- BS Quyên cho biết.
Theo BS Trần Tuấn Bình- GĐ TT YT huyện Na Hang, do vẫn giữ tập tục cũ nên người dân ở đây sinh khá dày và không ít trường hợp mắc bệnh di truyền, sức khỏe kém.“Tỷ lệ tảo hôn cao, người Mông, người Dao ít lấy người ngoài nên khi sinh con ra người nhỏ, hay bị bệnh, liên quan cận huyết với tỷ lệ cao. Từ thực tế tại địa phương các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về hôn nhân, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được đẩy mạnh như chương trình tư vấn tiền hôn nhân đến người dân, đặc biệt là những em học sinh ở lứa tuổi cấp 3, phối hợp cùng thày, cô giáo. Ngay từ cấp 2 đã phải tuyên truyền rồi. Nói chung chăm sóc sức khỏe về dinh dưỡng, quá trình mang thai được chăm sóc, khám định kỳ và phát thuốc. Vùng này bà con thiếu sắt, thiếu dinh dưỡng nên phải truyền thông rồi phát viên sắt, tư vấn cho họ siêu âm định kỳ để phát hiện bất thường thai nhi” BS Bình chia sẻ.
Không chỉ vậy, công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ y tế còn tiếp tục được thực hiện sau khi em bé chào đời với chương trình 1000 ngày sau sinh.
“Chương trình 1000 ngày sau sinh cũng triển khai đến tất cả các trạm y tế để y tá thôn bản triển khai các hoạt động cụ thể. Như thực hành dinh dưỡng đến tận thôn để hướng dẫn người dân làm, đẩy mạnh ở xã khó khăn, khi điều tra thấy có vấn đề sức khỏe là ưu tiên đến từng thôn, từng xóm, xã nào không quá khó khăn vẫn đến hướng dẫn”.
Công tác truyền thông đã được thực hiện một cách đều đặn và thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng và phong phú với mục đích tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe. Các hoạt động cộng đồng vui vẻ, sinh động đã biến những kiến thức vốn không dễ hiểu với bà con trở nên hấp dẫn và gần gũi.
Giờ đây, người dân địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe nhờ các buổi tuyên truyền do các cán bộ y tế thôn bản trực tiếp hỗ trợ. Những bà mẹ trẻ sau khi tham gia các buổi tư vấn, nói chuyện đã có thêm kiến thức để tự tin chăm sóc con và chính bản thân mình.
Mục tiêu của Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đó là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Và việc người dân tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng chính là cách tạo sự công bằng trong chăm sóc y tế, thu hẹp khoảng cách vùng miền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.