Hiểu một cách nôm na, lãng phí thực phẩm có nghĩa là đã bỏ đi một cách vô tình hay cố ý bất cứ loại đồ ăn, thức uống nào dù còn sống hay đã chế biến.

Việt Nam xếp thứ 2 châu Á về mức độ lãng phí thực phẩm. Theo một cuộc khảo sát nhỏ, có tới 87% người Việt Nam thừa nhận rằng họ lãng phí trung bình 2 đĩa thức ăn trong 1 tuần. Điều đáng nói là nhiều người dù rất tiếc khi đã phải vứt đi lượng thức ăn đã mua, đã chế biến nhưng sự việc vẫn cứ tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác.

Chị N.H.H ở phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội cho biết, vì bận rộn nên chị thường tích trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh. Nhà có 5 người, hằng ngày chị đều tính toán kỹ lượng thực phẩm để nấu cho mỗi bữa cơm nhưng tình trạng thừa đồ ăn vẫn xảy ra do thói quen tùy hứng của mỗi thành viên trong gia đình.

Nhiều hôm bất chợt nấu xong đồ ăn thì các con trên đường đi học về nổi hứng lên bảo thích ăn món này món kia thế là lại ăn những món dọc đường về. Đến khi về nhà không thể ăn được món mẹ làm, vậy là món ăn lại ế, cất trong tủ lạnh ăn lại thì chán nên đành phải bỏ đi mặc dù cũng làm nên hạt gạo đó rất khó” – Chị N.H.H kể.

Đồ ăn thừa bỏ đi là vô số kể trong những bữa cỗ, bữa tiệc. Nhiều người chia sẻ rằng đã mời khách thì phải “mâm cao cỗ đầy” thế mới là hiếu khách. Cũng vì thế mà trong các bữa tiệc như thế, chẳng mấy người ăn hết đồ ăn trên bàn. Và, thế là đồ ăn thừa lại được cho vào thùng rác.

Ở các hàng quán vỉa hè hay đồ ăn nhanh, chúng ta cũng dễ bắt gặp hình ảnh người dọn dẹp không chỉ thu gom bát đĩa ăn xong mà còn phải vứt đi rất nhiều đồ ăn thừa của khách.

“Khách ăn thừa nhiều lắm, có khi còn vài miếng cũng không ăn nốt, có người chỉ ăn vài miếng lại bỏ gần nguyên bát” – chủ một cửa hàng bán xôi trên phố Bà Triệu, Hà Nội cho biết.

Theo chuyên gia ẩm thực Lê Công Yên, nguyên nhân đầu tiên vẫn là thói quen tiêu dùng của người dân, tiếp đến là tính sĩ diễn của mỗi cá nhân tác động đến khẩu vị của mỗi người khi thưởng thức món ăn đó. “Xã hội hiện đại, cuộc sống sung túc, đầy đủ và không thiếu thốn gì cả. Các cụ dân gian thì luôn có câu là “No bụng đói con mắt”, nhìn thấy cái gì hay là đều muốn mua thành thành ra đôi khi không ý thức được. Có những thứ khi chúng ta mua về không sử dụng đến mà nó chỉ thỏa mãn tính hiếu kỳ của chúng ta thôi, từ vật dụng đến thực phẩm cũng vậy. Hoặc ngày xưa thì có ít người biết nấu ăn nhưng bây giờ ai cũng có thể nấu ăn, đôi khi không có kiến thức nên nấu ăn không chuẩn, không biết tính toán lượng thức ăn, lượng gia vị nên dẫn đến thừa, lãng phí đồ ăn ” – anh Lê Công Yên cho biết.

Để tránh lãng phí thực phẩm, chuyên gia ẩm thực Lê Công Yên khuyên mọi người nên lắng nghe cơ thể mình, có nhu cầu thực sự mới mua về tiêu dùng, đừng ăn vì muốn thỏa mãn sự ngon miệng mà ăn tràn lan gây lãng phí, lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc mua thực phẩm cũng mua với lượng vừa phải, biết cách tính toán, phân loại và bảo quản sẽ tiết kiệm được thực phẩm một cách tối đa.

“Nhiều người Việt có thói quen đi chợ ngày nào ăn ngày đó thì đó là thói quen tốt. Nhưng đối với những người không có thời gian, 2-3 ngày đi chợ một lần thì nên biết cách bảo quản, ghi số lượng, tên thực phẩm, thậm chí là ghi ngày và hạn sử dụng của nó trên hộp đựng thực phẩm thì khi sử dụng sẽ biết chính xác đó là cái gì và có bao nhiêu thì biết thực phẩm đó đang ở giai đoạn nào, tươi mới hay không, từ đó biết cách chế biến, mới hạn chế đi rất nhiều việc bỏ đi những thực phẩm đã quá hạn sử dụng và phòng tránh mất an toàn thực phẩm. Bởi vì khi để thực phẩm trong tủ lạnh như vậy thì những vi khuẩn vẫn sẽ sinh sôi nên nếu không biết đích xác thực phẩm đang ở giai đoạn, trạng thái như thế nào mà chúng ta cứ chế biến bừa đi thì nó sẽ gây nhiều bệnh cho cơ thể” – anh Lê Công Yên khuyến cáo.

Ban đầu, việc thực hiện những nguyên tắc đó sẽ cảm thấy phiền phức nhưng dần dần cũng sẽ tạo thành thói quen, vừa giữ được ATVSTP vừa tránh lãnh phí đồ ăn, tránh thất thoát công sức và tiền bạc mà chúng ta đã bỏ ra.