PGS Thái Minh Sâm - Trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tại Việt Nam, ca ghép đầu tiên thực hiện tại Học viện Quân y 103 vào tháng 6-1992, đến tháng 12-1992, 2 ca ghép thận đầu tiên ở TP.HCM được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Qua nghiên cứu đánh giá lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả bệnh viện đã điều trị được 1.030 trường hợp.
Trong đó, chủ yếu là ghép thận từ người hiến thận sống (94,1%) có quan hệ huyết thống, tỉ lệ ghép từ người hiến chết còn thấp (5,9%). Độ tuổi trung bình người hiến khoảng 50 và người nhận là 34 tuổi.
Về phương pháp phẫu thuật lấy thận bao gồm: mổ mở lấy thận (8,8%), phẫu thuật nội soi sau phúc mạc (66%), phẫu thuật nội soi qua phúc mạc (21,4%) và đặc biệt đã thực hiện được phẫu thuật nội soi có hỗ trợ robot lấy thận để ghép (3,8%).
Kết quả sống sau khi ghép thận ở nhóm được tặng từ người hiến thận sống trong thời điểm 1 năm, 5 năm và 10 năm lần lượt là 98,6%; 88,9% và 74,3%. Với nhóm người chết hiến thận, tỉ lệ sống còn lần lượt là 92,6%; 76% và 28,5%. Có thể thấy tỷ lệ đã tăng lên rất nhiều qua từng giai đoạn.
“Sau 30 năm với hơn 1.000 trường hợp, việc ghép thận tại bệnh viện đã đi vào thường quy và kết quả đạt được tương đương các trung tâm lớn trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề nguồn thận ghép vẫn chủ yếu từ người hiến thận sống, cần phát triển mạnh hơn về nguồn thận hiến từ người hiến chết nhằm đáp ứng nhu cầu, theo kịp xu thế phát triển ngành ghép thận Việt Nam”, bác sĩ Sâm chia sẻ.
Theo Trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị là nơi đầu tiên trong cả nước tiến hành ghép thận từ người cho chết não (năm 2008) và người cho khi tim ngừng đập (năm 2015). Hiện tại mỗi ngày bệnh viện tiếp đón và thăm khám khoảng 70-80 bệnh nhân gặp vấn đề về thận. Sau khi tổng kết lại toàn bộ chi phí ghép thận, bác sĩ Sâm đánh giá mức chi phí rẻ hơn nhiều so với tổng chi phí điều trị thay thế thận khác.