Thông tin được PGS.TS Trần Lê Bảo Hà - trưởng Phòng thí nghiệm kỹ nghệ mô và vật liệu y sinh, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết tại Hội nghị Tế bào gốc lần thứ 11 được tổ chức vào sáng 9/12.

Theo TS Trần Lê Bảo Hà, nhóm nghiên cứu đã sinh thiết miếng thịt bò và đưa vào phòng thí nghiệm để nuôi cấy. Bước đầu đã tạo ra được giá đỡ bằng kỹ thuật in sinh học 3D, tạo được độ dai của miếng thịt này. Tuy nhiên đây chỉ là nghiên cứu bước đầu, còn để nghiên cứu ra thịt nhân tạo cần phải qua rất nhiều bước tiếp theo.

Thịt nhân tạo là sản phẩm được tạo ra bằng cách nuôi những tế bào động vật trong phòng thí nghiệm và đưa vào giá đỡ để tạo thành cấu trúc miếng, tảng. Do đó, chỉ cần sinh thiết một phần nhỏ từ con heo, con bò, con cá... cho vào phòng thí nghiệm để nuôi cấy thành thịt nhân tạo.

Do được nuôi trong phòng thí nghiệm nên môi trường nuôi sạch, không gây ô nhiễm môi trường và tạo ra thực phẩm sạch. Cũng chính vì nuôi trong phòng thí nghiệm nên người nuôi có thể điều chỉnh được thành phần dinh dưỡng trong thịt nhân tạo.

Sản phẩm từ thịt nhân tạo không phải từ việc giết động vật như những loại thịt nuôi nên sẽ là thực phẩm, là nguồn dinh dưỡng cho những người ăn chay. Ngoài ra, người nuôi còn có thể tạo ra những loại thịt nhân tạo phù hợp những người bị mắc các bệnh như suy thận, bệnh Gout...

Hiện nay nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc... đã sản xuất được thịt nhân tạo. Tuy nhiên, chưa thể dự báo ở Việt Nam, người dân có ủng hộ việc tiêu thụ thịt nhân tạo hay không.