Với tâm trạng lo lắng về sức khỏe của con, anh Lê Trọng Văn, sống tại quận Đống Đa, HN cũng phải thường xuyên đưa con tới gặp bác sĩ.
“Bé hay bị viêm mũi, chảy nước mũi liên tục, các bác sĩ kê thuốc kháng sinh rất nhiều đợt khác nhau, thay kháng sinh cũng không hết hẳn bệnh. Xịt thuốc mũi nhiều cũng không khỏi. Có thể do thời tiết và môi trường nên bé mới bị dai dẳng như vậy”- anh Văn cho hay.
Viêm mũi họng dai dẳng khiến sức khỏe của các bé giảm sút, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt, học tập của trẻ nhỏ. Không những thế, việc phải uống nhiều thuốc kháng sinh có thể gây nên tình trạng kháng thuốc cho các bé sau này. Trước đây, mỗi năm, chị Lê Minh Vy- sống tại quận Tây Hồ- Hà Nội đều phải đưa con trai đi viện vài ba lần vì các bệnh liên quan đến tai mũi họng. Thế nhưng từ đầu năm nay, tần suất này tăng lên đáng kể: “Năm nay bé bị nặng hơn, ho rồi lại mũi, bị nhiều, sốt thì phải cho đi viện khám xong rồi còn để uống kháng sinh, 3-4 đợt kháng sinh rồi”.
Bác sĩ cũng đã tư vấn chị Vy nên nạo VA hoặc cắt amidan cho con nhưng chị vẫn lưỡng lự. “Mình còn phải tìm hiểu thêm, băn khoăn lo lắng sợ con đau, không biết con ăn uống ra sao, phải chăm sóc hồi phục thế nào, rồi sau khi làm xong thì có hết hẳn bệnh không”- chị Vy nói.
Để đưa ra quyết định điều trị đúng đắn, cha mẹ luôn phải dựa vào sự thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, với các can thiệp sâu hơn, cha mẹ nào cũng lo lắng về những tác động đối với sức khỏe của bé.

Theo Ths.BS Đỗ Tiến Quân- Chuyên khoa Tai- Mũi-Họng- BV Đa khoa An Việt, VA là một tổ chức nằm ở vòm họng ở cuối cùng ở mũi có tác dụng giống như amidan hỗ trợ miễn dịch. Một số triệu chứng của viêm VA hay gặp đó là trẻ có thể bị sốt từ sốt nhẹ đến sốt cao, ngoài ra còn có biểu hiện như chảy dịch mũi, ngạt mũi, ho đờm, ngủ ngáy, khi thăm khám các bác sĩ sẽ thấy khối VA sưng to, bề mặt đỏ, có thể đọng dịch màu đục hoặc có thể màu vàng, màu trắng.
BS Đỗ Tiến Quân cho biết, các triệu chứng này có dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm mũi họng thông thường.
“Vì VA nằm ở vị trí cuối cùng của mũi vì thế viêm VA sẽ có những biểu hiện ra mũi nên có biểu hiện khá giống với viêm mũi họng. Thực ra hai bệnh này cũng dễ nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số sẽ đi cùng nhau, tức là trẻ bị viêm mũi họng sẽ đi kèm viêm VA”- BS Quân chia sẻ.
Viêm VA không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ gây ra một số biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
“Đờm và dịch mủ chảy xuống đường hô hấp dưới sẽ gây viêm phế quản, viêm phổi, trẻ sẽ gặp nguy hiểm nếu bị viêm phổi. Ngoài ra, viêm VA còn gây ra các biến chứng khác như gây viêm tai giữa khiến thính lực của trẻ giảm sút. Bên cạnh đó, viêm VA còn gây viêm mũi xoang và viêm thanh quản cho trẻ”- BS Quân cảnh báo.

Vì thế, để hạn chế những tác động không mong muốn cho trẻ, trong một số trường hợp các bác sĩ đã có chỉ định nạo VA cho trẻ.
“Nạo VA khi tình trạng viêm VA diễn ra quá nhiều lần (trên 6 lần/năm) hoặc trong 2 năm liên tiếp trẻ viêm VA trên 5 lần/năm. Hoặc trong 3 năm liên tiếp trẻ bị viêm trên 3 lần/năm. Ngoài ra, khối VA trong tình trạng sưng to gây cho trẻ bị ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ. Các cha mẹ cũng nên nạo VA cho con khi đây là nguyên nhân gây viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản hoặc phế quản”- BS Quân khuyến cáo.
Theo BS Đỗ Tiến Quân, nạo VA là can thiệp đơn giản nhất trong chuyên ngành Tai – Mũi- Họng, vì VA nằm ở vòm họng chứ không nằm trong họng miệng nên không ảnh hưởng đến đường ăn, việc chăm sóc trẻ đơn giản, bố mẹ có thể cho trẻ ăn uống bình thường, uống đúng thuốc theo đơn của bác sĩ sau nạo VA.
Lời khuyên của BS Đỗ Tiến Quân về các biện pháp phòng tránh viêm VA ở trẻ nhỏ mà cha mẹ có thể thực hiện:
-Bố mẹ cần giữ ấm cho con khi trời lạnh như mặc áo ấm, đeo khẩu trang khi ra đường, cho con chế độ ăn đủ dinh dưỡng để trẻ có hệ miễn dịch tốt.
-Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý dạng xịt hay dạng phun sương sẽ hạn chế được tình trạng viêm nhiễm, trẻ lớn hơn có thể rửa mũi bằng dụng cụ rửa mũi chuyên dụng.
- Bố mẹ nên cho trẻ tiêm vaccine cúm và phế cầu để phòng bệnh.