Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết: cấp cứu ngoại viện nghĩa là cấp cứu ngoài cộng đồng, khi bị nạn, nạn nhân sẽ được hỗ trợ từ người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc, người có kỹ năng cấp cứu ban đầu hay nhân viên y tế thực hiện kỹ thuật cấp cứu tại chỗ.
“Không được sơ cấp cứu kịp thời tim sẽ ngừng đập trong khoảng từ 3-5 phút thì não sẽ bị tổn thương và trong 10 phút não tổn thương không thể hồi phục. Vì vậy, thời gian là mạng sống của nạn nhân”, bác sỹ Trần Anh Thắng nhấn mạnh.
Vì vậy nếu thiết lập được mạng lưới cấp cứu ngoại viện một cách chuyên nghiệp và phủ đều các tỉnh thành thì cơ hội cứu sống đối với các nạn nhân là rất lớn.
Thời gian qua, việc triển khai mạng lưới cấp cứu ngoại viện đã được triển khai nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn từ thực tế của TT cấp cứu 115 Hà Nội, bác sỹ Trần Anh Thắng thông tin diện bao phủ của cấp cấu 115 tại Hà Nội còn rất hạn chế. So với quyết định 3643 của TP HN về 115 thì mới có 8/12 trạm được thành lập bởi chưa tuyển đủ nhân lực. Trang thiết bị y tế chưa đồng bộ và đầu tư chưa đầy đủ và hiện đại. Các trạm 115 chủ yếu đang đặt nhờ cơ sở hạ tầng của đơn vị bạn. Ngoài ra, tuyển dụng nhân lực khó khăn vì thiếu sự hấp dẫn, công việc vất vả thu nhập thấp.
Nguồn kinh phí hoạt động 115 cũng khó khăn bởi đơn vị tự chủ 1 phần, trong khi tỷ lệ thất thu chiếm 50% như những trường hợp tai nạn giao thông, lang thang, hoàn cảnh có khăn...
Đặc biệt các bệnh viện và đơn vị y tế trong ngành mới tham gia 1 phần nhỏ khoảng 20% vào mạng lưới cấp cứu ngoại viện.
Hiện nay, hệ thống cấp cứu y tế gồm có TT cấp cứu chuyên biệt như 115 Hà Nội, bộ phận cấp cứu tại các bệnh viện và cấp cứu tư nhân, độc lập. Thế nhưng, hiện tại chưa có sự kết nối, liên thông giữa 3 bộ phận này. Thiếu thông tin, thiếu sự kết nối đồng bộ giữa cấp cấp cứu ngoại viện và cấp cứu tại BV, cơ sở y tế và hoàn toàn không có cơ chế phối hợp.
Bác sỹ Trần Anh Thắng nêu thực tế: Trung tâm không được giao quản lý các xe cấp cứu ở bệnh viện và khu vực tư nhân. Vì thế, trên địa bàn thủ đô mặc dù có nhiều xe cấp cứu, nhiều đơn vị cấp cứu nhưng hầu hết hiện tại chỉ có Trung tâm cấp cứu 115 là lực lượng chính đáp ứng cấp cứu ngoại viện.
“Chúng tôi cũng đang cố gắng thực hiện sự kết nối nối này trong thời gian sắp tới: hiện tại bệnh viện E, bệnh viện Mê Linh đang từng bước tham gia vào hệ thống cấp cứu ngoại viện tại Hà Nội dưới sự điều phối của Trung tâm cấp cứu 115 nhằm cung cấp dịch vụ cấp cứu ngoại viện đến được người dân nhanh nhất”, bác sỹ Thắng thông tin.
Cấp cứu ngoại viện, cấp cứu tại viện và điều trị trong viện, sau đó là phục hồi chức năng được coi là hệ thống y tế hoàn chỉnh. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi và cấp cứu ngoại viện đã được đưa vào Luật. Đây được xem như là mảnh ghép cuối cùng của hệ thống y tế.
Hiện vẫn còn cần một thời gian nữa để xây dựng các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định để triển khai thực tiễn. Theo bác sỹ CKII Trần Anh Thắng, có những vấn đề cần được nhìn nhận và xử lý ngay. Đó là:
- Tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, xóa dần khoảng cách tiếp cận của xe cấp cứu đến người dân
- Về chính sách: hoàn thiện và có hướng dẫn cụ thể chi tiết để làm hành lang pháp lý
- Đẩy mạnh phát triển mạng lưới cấp cứu bằng việc tăng các điểm trạm đưa dần các xe cấp cứu đến gần hơn với cộng đồng; bệnh viện, cơ sở y tế tham gia vào mạng lưới cấp cứu ngoại viện đưới sự điều phối của Trung tâm điều phối 115
- Hiện tại các Trạm đang bố trí tại các đơn vị bạn vì vậy cần có quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất cho trạm cấp cứu: ví dụ như khi xây dựng các khu đô thị mới cần bố trí chỗ cho cấp cứu ngoại viện.
- Đẩy mạnh phát triển Trung tâm Điều phối cấp cứu ngày càng hiện đại và xứng tầm. Trung tâm điều phối phải được kết đồng bộ, tương thích như 1 hệ thống chỉnh thể với các bệnh viện, cơ sở y tế.
- Thành lập Trung tâm mô phỏng, tăng cường đào tạo bài bản, tăng sự tinh nhuệ cho nhân viên y tế. Hiện nay Đại học Y dược (ĐH quốc gia Hà Nội) đang xây dựng khung chương trình giảng dạy cho cấp cứu ngoại viện, điều này cần được nhân rộng trên toàn quốc.
- Tăng cường đào tạo cho cộng đồng và có những chính sách cho những người tham gia sơ cấp cứu ngoài cộng đồng. Ở các nước họ đưa vào trường học từ các cấp. Người dân của họ có thể sơ cứu hay sử dụng máy AED ở ngoài cộng đồng thuần thục.
- Tăng cường truyền thông về ý thức, kiến thức cấp cứu ban đầu cho người dân. Ý thức, kiến thức của người dân về sơ cấp cứu còn chưa được phổ biến và người dân vẫn cho rằng đó là của nhân viên y tế. Vì vậy việc phổ biến kiến thức cấp cứu ở cộng đồng để tương trợ nhau tốt hơn với kiến thức sơ cứu cơ bản để có thể tự cứu lấy chính mình, người thân và những người xung quanh nếu có thể.
Cả nước vẫn còn 27 tỉnh chưa có trung tâm cấp cứu 115, có 18 tỉnh giao đầu mối cấp cứu cho bệnh viện đa khoa tỉnh, 7 tỉnh giao cho tư nhân.
Đáng chú ý khi 17 tỉnh không đảm bảo số xe cứu thương trên đầu người như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). đa phần ở các thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Số liệu báo cáo của 63 địa phương cho thấy có trên 50% quận/huyện thành lập đội cấp cứu ngoài bệnh viện hoặc có đơn vị vận chuyển cấp cứu. Thấp nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng chỉ 31,8%.
Xin mời nghe cuộc trao đổi với bác sỹ CKII Trần Anh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội: