3 tháng trước chị Lèo Thị Thìn dân tộc Thái ở xã Mường Bố, huyện Mường La, tỉnh Sơn La thấy người bị mẩn ngứa và đau ở vùng bụng. Kết quả siêu âm ổ bụng ở BV đa khoa tỉnh cho thấy, kích thước gan của chị tăng hơn so với bình thường, nhưng không phát hiện có sán trong gan. Bác sĩ yêu cầu chị phải đi khám định kỳ để theo dõi.

Cách đây gần 1 tháng, cơn đau ở vùng bụng xuất hiện trở lại và lần này đau nhiều ở hạ sườn phải, lan ra sau lưng, cảm giác rất khó chịu. Quay trở lại BV tỉnh khám chị Thìn được chẩn đoán mắc sán lá gan lớn và được chuyển về Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện sốt rét côn trùng ký sinh trùng Trung ương để điều trị.

Những ngày nằm viện được bác sĩ giải thích chị mới biết nguyên nhân mình bị nhiễm sán là do thói quen ăn sau sống, ăn gỏi cá - đây là thói quen đã tồn tại từ lâu trong cách ăn uống của nhiều đồng bào dân tộc Thái.

“Người Thái có thói quen ăn rau sống, gỏi cá. Rau muống, rau cần, cải...thường hái từ vườn về rửa rồi chấm với nước chua, măng chua hay ăn với thịt...” – chị Thìn chia sẻ.

Một trường hợp khác phải vào điều trị do nhiễm ấu trùng sán lợn ở não là bệnh nhân T. ở Bắc Giang. Anh T. cho biết, đầu năm nay anh bắt đầu có biểu hiện đau đầu, mắt mờ, run chân tay. Nghĩ nhiều đến bệnh về thần kinh nên anh đi khám ở nhiều nơi nhưng chỉ được chẩn đoán là do thiếu máu. Cho đến tháng 5 vừa rồi sau khi chụp CT mới phát hiện có ổ sán ở não.

Hiện anh T. đã trải qua 2 đợt điều trị, mỗi đợt kéo dài 20 ngày. Sau đợt điều trị thứ 3 khoảng 40 ngày anh T. sẽ được kiểm tra lại, nếu sán vẫn còn trong não sẽ phải tiếp tục điều trị.

PGS. TS. BS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, hằng ngày Bệnh viện Đặng Văn Ngữ vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng sán lợn ở não và sán ở gan như trường hợp của anh T. và chị Thìn.

Nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng phổ biến là do thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh hoặc do tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi như chó, mèo..v.v..

Các loại ký sinh trùng như sán thường có trong các loại rau thủy sinh như rau rút, rau cần, rau muống, rau cải xoong... Những thực phẩm như thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống có nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành; ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn.

Sán lá gan khi vào cơ thể thường cư trú chính ở nhu mô gan, tuy nhiên sán có thể đi lạc chỗ. "Có những bệnh nhân chúng tôi tìm thấy sán lá gan lớn ở cơ thành ngực, bụng, cơ đầu gối, đùi" - PGS. TS. BS Đỗ Trung Dũng cho biết.

Khi nhiễm trứng của sán dây lợn, dưới tác dụng của dịch vị, dịch ruột sẽ nở ra thành ấu trùng. Ấu trùng sẽ đi khắp cơ thể, tuy nhiên cơ quan phát hiện ra nhiều nhất là não.

Biểu hiện của nhiễm sán lá gan lớn thường là đau bụng (đau vùng thượng vị, vùng ức, cơn đau có thể lan ra đằng sau hoặc lan xuống dưới), rối loạn tiêu hóa... Tuy nhiên cũng có người không có biểu hiện gì.

Với ấu trùng sán lợn, khi có nang sán trên não, bệnh nhân có thể có đau đầu kéo dài, nhìn mờ, có người bị co giật hoặt liệt nửa người.

Cả sán lá gan lớn và sán não đều gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng.

Để phòng bệnh do nhiễm ký sinh trùng PGS. TS. BS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo, đơn giản nhất là ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay bằng xà phòng để không nhiễm trứng giun sán, vệ sinh nhà cửa và đồ chơi của trẻ...

Mời nghe âm thanh tại đây: