Sau đợt bùng phát dịch Covid- 19 lần thứ 2, tính đến hôm nay (12/11) nước ta đã tròn 70 ngày liên tiếp không có ca mắc mới tại cộng đồng. Các chuyên gia và bạn bè quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia thành công trong việc khống chế dịch Covid-19. Có được thành quả này là nhờ Chính phủ phản ứng kịp thời, ngành y tế cùng với các lực lượng công an, quân đội, chính quyền các cấp quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch và mọi người dân đoàn kết, cùng chung tay thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng dịch bệnh tạm lắng xuống, dường như nhiều người đã bắt đầu chủ quan, lơ là. Biểu hiện rõ rệt nhất là việc không đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng hoặc những nơi tập trung đông người, không thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), hiện nay dịch bệnh tại các nước trong khu vực và thế giới vẫn rất diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều nước châu Âu vẫn tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm để ngăn chặn số ca nhiễm tiếp tục tăng lên. Một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Myanmar, Malayxia …dịch bệnh cũng đang quay trở lại.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, bối cảnh của nước ta hiện nay rất giống với 99 ngày trước khi đợt dịch thứ 2 bùng phát ở Đà Nẵng. Tuy không có ca mắc mới ngoài cộng đồng nhưng trên các chuyến bay chở công dân về nước và các chuyên gia vào Việt Nam làm việc vẫn ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19. Nguy cơ dịch quay trở lại vẫn còn rất cao khi các ca nhập cảnh vẫn tiếp tục tăng lên. Hơn nữa trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, nếu như trong một thời điểm nào đó chúng ta “quên đi” các biện pháp phòng bệnh thì sự việc như đã từng xảy ra ở Đà Nẵng có thể lặp lại.

Cũng từ kinh nghiệm ở Đà Nẵng, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng bệnh viện, nhất các các khoa điều trị bệnh nhân mắc các bệnh nền mạn tính thể nặng là những vị trí xung yếu, dễ bị dịch bệnh tấn công nhất. Do đó, cần phải có cách để phát hiện sớm những trường hợp nhiễm Covid-19, đó là các bệnh viện thỉnh thoảng nên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở các khoa có bệnh nhân nặng.

TS Trần Đắc Phu phân tích, mùa đông-xuân là thời điểm rất thuận lợi để dịch cúm và các dịch bệnh về đường hô hấp trong đó có Covid-19 bùng phát. Nhiều quốc gia ở châu Âu đang trải qua một mùa đông được coi là tồi tệ khi dịch bệnh đang hoành hành dữ dội. Ở nước ta, mùa xuân là thời gian diễn ra nhiều lễ hội tại các địa phương và đây là một yếu tố khiến dịch bệnh dễ lây lan.

Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và Bộ Y tế vẫn quán triệt tinh thần đề cao cảnh giác với dịch bệnh và tăng cường các biện pháp quyết liệt để vừa ngăn dịch quay trở lại vừa phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đang chỉ đạo thiết lập bản đồ an toàn và thông báo công khai để người dân biết được các địa điểm công cộng như trường học, siêu thị, bệnh viện… có đảm bảo các yêu cầu phòng chống Covid-19 hay không?

Về phía cộng đồng, mọi người cần tiếp tục thực hiện 5K đó là: Khẩu trang - Khử khuẩn- Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. “Đeo khẩu trang là biện pháp quan trọng nhất. Bởi một trong những yếu tố giúp kiểm soát dịch thành công của nước ta thời gian qua là người dân đã thực hiện tốt việc đeo khẩu trang” - TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: