Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến ngày 18h ngày 17/10, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 17 ca mắc Covid-19 là những người trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch.

Trong đó, đã có trường hợp không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch của ngành y tế như bệnh nhân N.T.D.V (nữ, sinh năm 1994). Chị V. đã đi ô tô chung từ TP. HCM về Hà Nội. Sau khi về Hà Nội, chị V. về số 8 Đình Ngang rồi tiếp tục đi đến nhiều nơi trên địa bàn thành phố, thậm chí làm móng, tóc ở một cửa hàng tại Hai Bà Trưng và tiếp xúc với nhiều người.

Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, khi người trở về Hà Nội từ các vùng có dịch càng nhiều, thì nguy cơ số ca nhiễm sẽ nhiều lên và đây là điều đã được dự báo.

BS Khổng Minh Tuấn cũng nhấn mạnh: để tránh nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng, cần tinh thần tự giác của mỗi người khi từ vùng dịch trở về Hà Nội.

Trong đó, người dân đi về phải ký cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú (trong vòng 7 ngày), khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và tư vấn kịp thời.

Cũng theo BS Khổng Minh Tuấn, những trường hợp trở về từ các địa phương có dịch cần phải được coi như người nhập cảnh. Do đó, để quản lý tốt những trường hợp này cần có sự phối hợp liên ngành thật chặt chẽ.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng chỉ rõ, hiện nay, việc cung cấp danh sách những trường hợp trở về bằng đường hàng không tương đối đầy đủ, nhưng với đường bộ và đường sắt, việc cung cấp danh sách này còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, lãnh đạo CDC Hà Nội đề nghị Sở GTVT cần yêu cầu các nhà xe, hãng xe, Tổng công ty Đường sắt thực hiện nghiêm việc thông báo danh sách những người trở về Hà Nội từ các địa phương có dịch.

Khi những trường hợp này về các quận, huyện, thị xã thì việc giám sát, quản lý của chính quyền địa phương phải được nâng lên một mức.

Cụ thể, UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo xã, phường và các lực lượng liên quan tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý chặt chẽ; giao công an khu vực và tổ Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ, đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

Thậm chí, hàng xóm xung quanh thấy người từ nơi khác về địa phương không thực hiện việc khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch có thể báo cáo chính quyền địa phương.

Với những trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cần phải xử lý nghiêm theo quy định.