BS Đặng Bích Ngọc – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết, đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn chất insulin trong máu. Đây là một loại bệnh rất hay gặp và gây nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể như các bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương…

Đái tháo đường thường gặp ở người lớn tuổi, tăng huyết áp, thừa cân béo phì... Tuy nhiên những năm trở lại đây, đái tháo đường xuất hiện cả ở nhiều người trẻ tuổi do lối sống tĩnh tại, ít vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, stress...

Đối với người bệnh đái tháo đường, việc tuân thủ điều trị là rất cần thiết giúp kiểm soát đường huyết, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay, người bệnh đái tháo đường – là một trong những đối tượng dễ bị biến chứng nặng và tử vong nếu nhiễm COVID-19.

BS Đặng Bích Ngọc khuyến cáo, người bệnh cần phối hợp các biện pháp: chế độ ăn hợp lý, vận động hằng ngày và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cụ thể:

Người bệnh cần biết tự theo dõi đường huyết của mình để điều chỉnh phù hợp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu đường huyết, huyết áp ổn định thì có thể uống lại theo đơn thuốc cũ. Tuy nhiên, nếu đường huyết, huyết áp không ổn định thì người bệnh phải tái khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

"Việc chủ quan không đi khám, bỏ uống thuốc hoặc tự mua thuốc uống tiếp theo đơn cũ có thể dẫn tới hậu quả như: đường trong máu tăng quá cao gây hôn mê; tiểu nhiều mất nước, mất điện giải; tăng tình trạng suy thận, nguy cơ tai biến mạch máu não... Người bệnh đái tháo đường, đặc biệt người già là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh cúm nói chung và COVID-19 nói riêng. Nguyên nhân là do họ có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, có nhiều bệnh đồng mắc, khi mắc bệnh thì có nhiều khả năng dẫn đến biến chứng nặng"- BS Đặng Bích Ngọc cho biết.

Tuân thủ chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Ăn đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh, tránh đồ ngọt và đồ chiên rán. Tối thiểu mỗi ngày nên vận động từ 30-40 phút, có thể đi bộ, nhảy dây, yoga tại nhà để đảm bảo an toàn phòng dịch.