Điều 5.3 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà VN tham gia phê chuẩn ngày 11/11/2004 quy định: khi hoạch định và tham gia các chính sách liên quan đến y tế công cộng, các bên - đặc biệt là các cơ quan làm chính sách phải lưu ý để không bị các lợi ích về thương mại và các lợi ích khác tác động, đồng thời cũng phải phù hợp với pháp luật quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tăng cường năng lực triển khai thực hiện điều 5.3 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá diễn ra vào sáng nay (3/10), thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết, để thực thi các quy định của điều 5.3 Bộ Y tế luôn thận trọng khi xây dựng các chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề kiểm soát thuốc lá mà có sự mâu thuẫn giữa lợi ích y tế công cộng và lợi ích các doanh nghiệp.

“Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng một số chính sách như thuế tiêu thụ đặc biệt, đề xuất ban hành nghị quyết về cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu quảng cáo thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đây là 2 văn bản pháp lý quan trọng thể hiện rõ việc đấu tranh về lợi ích y tế công cộng với các lợi ích nhóm, lợi ích của doanh nghiệp, ngành công nghiệp thuốc lá” – thạc sĩ sĩ Đinh Thị Thu Thuỷ cho biết.

Tuy nhiên một thách thức rất lớn khi ngành công nghiệp thuốc lá đang bằng những cách thức khác nhau để can thiệp vào chính sách để tối đa hóa lợi nhuận.

Thạc sĩ BS Nguyễn Tuấn Lâm – Cán bộ Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, có 6 cách can thiệp khác nhau, trong đó đặc trưng là mua chuộc ngầm hoặc công khai các quá trình xây dựng chính sách pháp luật hay thổi phồng về vai trò kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá...

“Tuy nhiên bán nhiều sản phẩm thuốc lá sẽ có nhiều người mắc bệnh và tử vong sớm, do đó lợi ích này là không thể dung hòa” – thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ThS. Đào Thế Sơn, Chuyên gia Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies cho rằng, vận động chính sách là thực tiễn xảy ra ở các quốc gia. “Tuy nhiên với những sản phẩm có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến toàn dân, chúng ta cần hạn chế tối đa việc này” - ThS. Đào Thế Sơn nói.

Bên cạnh đó, theo ThS. Đào Thế Sơn, quan điểm sử dụng thuốc lá thế hệ mới giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống là thông tin chưa có cơ sở khoa học.

“Đây là 1 chiêu thức quảng cáo mà chưa có bằng chứng nào trên thế giới cho rằng nó có thể cai nghiện. 1 số quốc gia đã cho phép quản lý thuốc lá điện tử giống như quản lý dược phẩm để cai nghiện, chưa có 1 công ty nào có thể đệ trình bằng chứng lâm sàng. Theo quan điểm của tôi, ngăn chặn thuốc lá hoàn toàn là điều không thể, nhưng chúng ta không thể coi đấy là điều cản trợ cho 1 chính sách đúng. Chính sách của Việt Nam là cấm, bên cạnh đó cần có các biện pháp hạn chế quảng cáo” - ThS. Đào Thế Sơn nêu quan điểm.

Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục Trưởng Cục quản lý KCB Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang vận động Quốc hội để xây dựng nghị quyết cấm nhập khẩu buôn bán lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và có thể là 1 loại thuốc lá mới nào nữa. Bởi, bằng chứng ở các nước cho phép thực hiện sử dụng các loại này đều thất bại.

Ông Khoa cho rằng "các cơ quan chức năng của Việt Nam phải giám sát ngành công nghiệp thuốc lá đã tài trợ, hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan có liên quan đến xây dựng chính sách về thuốc lá, các nhà nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu vì vấn đề này vi phạm điều 5.3 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá".