Bé Trần Quốc Anh, 5 tuổi ở Linh Đàm, Hà Nội vừa trải qua ca phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị thoát vị bẹn. Chị Nguyễn Thị Thanh mẹ bé Quốc Anh cho biết, bé có triệu chứng xuất hiện khối phồng lên ở vùng bẹn từ năm 1 tuổi nhưng do nhiều nguyên nhân mà đến bây giờ mới phẫu thuật điều trị cho bé. Ca phẫu thuật thành công, sau mổ 24 tiếng, bé ăn uống, ngủ nghỉ tốt, chị Thanh thở phào nhẹ nhõm.

“Hồi đó cho cháu đi khám ở Bệnh viện tư, bác sĩ bảo tầm 3 tuổi sẽ tự hết nhưng đến 3 tuổi vẫn thấy sưng. Đến bây giờ đưa con đi khám lại, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông siêu âm thấy khối phồng thì yêu cầu phẫu thuật. Giờ thì cũng yên tâm rồi, về nhà làm theo hướng dẫn của bác sĩ là chăm sóc lau vết mổ, mấy ngày sau đến khám lại” - chị Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.

Ths.BSCKII Nguyễn Quốc Đông – Trưởng khoa ngoại thận tiết niệu, BV Đa khoa Hà Đông cho biết: Thoát vị bẹn là tình trạng thường thấy ở trẻ nhỏ. Đây là di chứng còn lại của ống phúc tinh mạc sau khi tinh hoàn từ ổ bụng di chuyển trong quá trình bào thai xuống dưới bìu. Vì lý do nào đó mà trong khi trẻ cất tiếng khóc chào đời thì ống phúc tinh mạc không khép lại dẫn đến tình trạng ruột hay mạc nối trong ổ bụng di chuyển xuống gây thoát vị.

Bé Trần Quốc Anh là một trong số nhiều trường hợp trẻ bị thoát vị bẹn được điều trị bằng Kỹ thuật nội soi một lỗ. Đây là kỹ thuật điều trị thoát vị bẹn mới nhất hiện nay có ưu điểm là không để lại sẹo và không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này.

“Đây là kỹ thuật khó, đầu tiên bác sĩ phải tạo khoang trong ổ bụng, bơm hơi vào, sau đó đặt một troca ở rốn, rạch một lỗ khoảng 5mm. Khi đặt camera vào quan sát thì vị trí ống phúc tinh mạc một bên hoặc 2 bên, sau đó bác sĩ dùng đường rạch ở bên ngoài, cạnh lỗ bẹn trong và dùng một cái kim luồn sợi chỉ vào, tách phúc mạc ở vùng lỗ bẹn sâu đó và thắt phúc mạc đó bên ngoài thông qua cái kim dưới sự kiểm soát của camera ở bên trong. Trong quá trình phẫu thuật, BS có thể kiểm tra luôn lỗ bẹn bên cạnh, nếu có dấu hiệu của còn ống phúc tinh mạc thì cũng sẽ được thắt luôn. Kết quả sau mổ là đường rạch ở 2 bên bẹn rất bé 3mm cộng thêm một lỗ rạch ở vị trí đặt troca, ở ống soi camera khoảng 5mm. Sau này đối với một trẻ nữ hoàn toàn không có sẹo, đối với trẻ nam thì đó là hoàn toàn bình thường” - Ths.BSCKII Nguyễn Quốc Đông cho biết.

Ths.BSCKII Nguyễn Quốc Đông cũng cho rằng, vì kỹ thuật bóc tách khó nên đòi hòi các bác sĩ, phẫu thuật viên phải có kỹ năng tốt. Và, với kỹ thuật này, trẻ sẽ phục hồi nhanh hơn so với phương pháp truyền thống trước đây.

“Kỹ thuật truyền thống trước đây là mổ mở với đường rạch 2-3cm tại vị trí nếp nằn bẹn, qua đó bác sĩ tìm được vị trí của lỗ thoát vị bẹn và thắt ống phúc tinh mạc. Với cách làm này thì mỗi bên bị 1 đường mổ, nếu bệnh nhân bị 2 bên thì sẽ có 2 đường mổ khoảng 3-6cm. Như thế bệnh nhân sẽ đau, thứ hai tạo sẹo để lại vấn đề về thẩm mỹ, thứ ba là sang chấn, trong khi kỹ thuật nội soi một lỗ giảm sang chấn tối đa, sẹo mổ, hầu như sau phẫu thuật không nhìn thấy sẹo, trẻ phục hồi nhanh và ra viện ngay hôm sau”.

Độ tuổi trẻ bị thoát vị bẹn thường từ 12 tháng đến 10 tuổi. Thoát vị bẹn nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này. Do đó các mẹ nếu thấy các dấu hiệu bất thường như trẻ quấy khóc, có khối phồng ở vùng bẹn thì đưa trẻ đi khám ngay nhé

2 năm nay, các bác sĩ khoa Ngoại tiết niệu của Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã ứng dụng thành công và làm chủ phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ em. Cá biệt, vừa qua Khoa Ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị thành công cho cháu bé mới 6 tháng tuổi.