PV: Chữa mụn bằng kem đánh răng đang là phương pháp đang làm mưa làm gió trên tiktok cùng với đó là hướng dẫn làm trắng cấp tốc, mịn da cấp tốc để đón Tết. Bác sỹ có phản hồi như thế nào trước những chỉ dẫn của các “chuyên gia mạng” này?

BS Nguyễn Quang Minh: Thực ra thì bản thân chúng tôi cũng bất ngờ khi nghe thấy điều này. Họ sử dụng các phương pháp mà tôi biết chắc chắn là không nằm trong y văn.

Mặc dù dân gian cũng có những biện pháp như là sử dụng nước vo gạo để rửa mặt làm sáng da, mờ các điểm nám tàn nhang, vì trong thành phần của nó có một hoạt chất khiến người dùng cảm giác thấy da nó trắng lên. Nhưng cái này là có tính khoa học. Còn sử dụng kem đánh răng để mà chấm mụn thì cũng chẳng khác nào câu chuyện của cái thời cách đây vài chục năm, nhét đất sét vào vết thương để chữa lành.

Chúng tôi cũng tìm hiểu mãi cũng không thấy được những thành phần nào được y văn ghi nhận là có tác dụng với da mụn cả. Có chăng trong kem đánh răng có những thành phần dạng axít nó có thể làm giảm bớt hiện tượng sưng nhưng còn những thành phần khác nó lại có thể làm cho tình trạng mụn nặng nề hơn.

Chúng tôi không bao giờ khuyến cáo các bạn sử dụng phương pháp này vì bây giờ y học phát triển rất cao cho phép chúng ta có nhiều sản phẩm để sử dụng và điều trị.

PV: Vì sao những kiểu hướng dẫn làm đẹp cấp tốc, những quảng cáo kiểu “trắng ngay” “đẹp ngay” vẫn thu hút mọi người nghe, xem và làm theo, trong khi đó không phải là chúng ta không tuyên truyền, hướng dẫn trên các kênh chính thức, thưa bác sỹ?

BS Nguyễn Quang Minh: Những thứ có tính thu hút và tò mò, các chiêu trò hoặc là những cái gọi là cái độc và lạ bao giờ cũng có xu hướng là dễ lan tỏa hơn. Ví dụ như câu chuyện tắm trắng, tắm cái trắng ngay thì như là lớp phấn phủ làm sạch đi thì nó hết. Nhưng nó vẫn đánh vào sự hy vọng của người dùng là có tác dụng ngay. Còn gặp một chuyên gia da liễu thì các bác sĩ sẽ còn phân tích: ôi da của em như thế này thì bây giờ em phải chăm sóc thế này thế kia. Và để thấy hiệu quả thì sớm nhất phải 6 tháng đến 1 năm sau, đó là còn chưa kể bác sỹ không cam kết 100%. Rõ ràng là kém hấp dẫn so với những lời có cánh kia.

PV: Thực tế thì bác sĩ đã gặp những trường hợp biến chứng khi làm đẹp như kiểu như thế này?

BS Nguyễn Quang Minh: Bản thân là một bác sĩ làm việc công tác ở Bệnh viện Da liễu trung ương và ở khoa liên quan trực tiếp đến bệnh nhân thẩm mỹ nên chúng tôi phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề về biến chứng thẩm mỹ.

Họ là những người đã đi lòng vòng rất nhiều cơ sở, chuyên gia bên ngoài đến khi bị nặng quá không xử trí được, hoặc xảy ra tai biến mới vào đến chúng tôi. Chúng tôi phải dùng từ là tiếp xúc với các mức độ tai biến hằng ngày luôn. Tức là từ những việc đơn giản như nghe những hướng dẫn trên mạng thoa bôi gây phản ứng cho đến việc đi đến các cơ sở mà được quảng cáo không đúng mức, làm sai kỹ thuật dẫn đến tắc mạch hoại tử liên quan đến sửa mũi hoặc áp xe thủng bụng liên quan đến việc tiêm giảm béo hay là việc sử dụng các biện pháp căn chỉ gây ra biến chứng thần kinh lệch mặt.

PV: Phải trách ai trong việc để xảy ra những sự cố về làm đẹp như thế này? Công tác quản lý hay sự dễ dãi của chị em khi lựa chọn cơ sở làm đẹp?

BS Nguyễn Quang Minh: Chúng tôi vẫn nhận thấy một vấn đề là tư duy cũng như kiến thức về thẩm mỹ của bản thân khách hàng, của người bệnh đến với chúng tôi, nhiều người nghĩ rất đơn giản. Khi hỏi bệnh nhân ai tiêm cho bạn cái này thì bảo rất đơn giản là đứa cháu nó đi học thẩm mỹ 3 ngày ở đâu đấy rồi nó bảo là tiêm cho.

Hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ làm đẹp tràn lan đến mức chỗ nào cũng thấy, đầu ngõ cuối ngõ, trước đây là một quán cắt tóc gội đầu bây giờ thành một trung tâm về thẩm mỹ chữa tất cả các thứ tiêm botox, miso...

Thỉnh thoảng cũng nghe người ta nói là đưa nhau trong chỗ khách sạn để mổ nâng ngực thì tôi không hiểu được là bây ở chỗ nào cũng có thể thành một trung tâm hoặc một cơ sở y tế.

Rõ ràng đòi hỏi một sự tổng kiểm tra, rà soát diện rộng để sắp xếp, định hình lại, những đơn vị nào được phép làm gì và phải có cơ sở chuyên môn như thế nào.

Thứ hai là phải cung cấp tối đa hơn nữa cho người dân về kiến thức thẩm mỹ, hoặc ít nhất cũng tạo thói quen là đến cơ sở thẩm mỹ thì biết ở đó ai là người làm chuyên môn và kỹ thuật này có thực hiện được tại đây không, nếu có thì cho tôi xem chứng nhận hay là cho tôi biết người nào sẽ thực hiện.

Ví dụ chúng ta nói là ở chỗ phòng khám của bác sĩ A có chứng chỉ về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được phép nhưng mà nếu mà bác sĩ thực hiện kỹ thuật nâng ngực thì phải vào bệnh viện nào không thể làm ở phòng khám tư nhân được. Vì đây là dịch vụ thẩm mỹ có gây mê.

PV: Điểm mấu chốt mà các nhà quản lý và người dân khi chọn để làm đẹp thì cần lưu ý những điều gì, thưa bác sỹ?

BS Nguyễn Quang Minh: Theo tôi, đầu tiên là công khai, minh bạch. Tức là một đơn vị công bố danh mục những cái gì được phép làm. Thứ hai nữa là phải công khai vấn đề liên quan đến người trực tiếp thực hiện kỹ thuật đấy. Nếu mà đến làm đẹp thì các bạn cũng nên chủ động hỏi người mà sẽ thực hiện là ai.

Thứ ba nữa là phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra bởi có nhiều đơn vị họ sẽ hơi lấp lửng một tý xíu ví dụ như là khi cơ quan chức năng đến thì họ chỉ có danh mục A thôi, nhưng đi rồi thì làm cả B và C.

Giai đoạn vừa rồi là giai đoạn bùng nổ rất nhiều các cơ sở, các trường đào tạo nghề về thẩm mỹ rồi nhiều hội nhóm chia sẻ, hướng dẫn nhau... vì thế tôi hiểu là lực lượng cơ quan chức năng cũng mỏng quá, chưa thể để phủ kín được. Vấn đề giống như ta gọi là bắt cóc bỏ đĩa chỗ này không được thì mai lại chạy sang chỗ khác, hôm nay cơ sở A ngày mai hoán đổi tên. Vì thế, việc kiểm tra đòi hỏi phải thường xuyên sâu sát, thậm chí là chúng ta phải phối hợp nhiều cơ quan liên quan.

Cuối cùng vẫn là vấn đề kiến thức của người dân khi thực hiện dịch vụ làm đẹp. Nếu tất cả đều chỉ có qua màu hồng của quảng cáo hay chạy marketing thì thực ra cái gì trên đời cũng có thể làm được ngay.

PV: Xin cả ơn bác sỹ!

Mời nghe cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với bác sỹ Nguyễn Quang Minh tại đây: