Miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Theo TS.BS. Lê Kiến Ngãi - Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Nhi Trung ương, đáp ứng miễn dịch xảy ra bằng cách cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên (virus vi khuẩn, ký sinh trùng, tế bào lạ xâm nhập vào cơ thể) từ đó kích hoạt hệ thống miễn dịch sinh ra các kháng thể để tiêu diệt kháng nguyên

Khi chào đời, lượng kháng thể giúp trẻ chống chọi với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là kháng thể IgG mà trẻ nhận được từ mẹ trong thời kỳ bào thai và sau đó là nguồn IgG của sữa non. Quá trình này được gọi là "miễn dịch thụ động".

Tuy nhiên, sau khi bé chào đời, các kháng thể này bắt đầu giảm mạnh và mất dần trong khoảng 6 tháng tiếp theo. Do đó, cần phải để trẻ được bảo vệ bằng miễn dịch chủ động, đặc biệt là miễn dịch chủ động, đặc hiệu, nhân tạo, chính là tiêm chủng vaccine.

Khoảng trống miễn dịch

Sau khi trẻ sinh ra, lượng kháng thể IgG từ mẹ truyền sang trẻ bắt đầu giảm. Đến thời điểm trước khi trẻ tròn 3 tháng tuổi, khả năng bảo vệ trước một số bệnh như ho gà, viêm gan B…gần như không còn. Các kháng thế chống lại các bệnh sởi, quai bị, rubella, thuỷ đậu… giảm nhanh từ tháng thứ 4, và gần như không còn đủ khả năng bảo vệ khi trẻ được 9 tháng tuổi. Từ thời gian này, nếu trẻ không được kịp thời bổ sung miễn dịch chủ động thì nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất cao.

Khoảng thời gian từ khi trẻ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn thường có các khoảng trống miễn dịch. Trong độ tuổi này, trẻ trở nên rất nhạy cảm đối với các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng, trong khi đây cũng là giai đoạn trẻ có tiếp xúc ngày càng nhiều với môi trường bên ngoài, dẫn đến việc trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, hay mắc một số bệnh truyền nhiễm nếu có phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh.

Nợ miễn dịch

TS-BS Lê Khiến Ngãi cũng cho biết, nợ miễn dịch xảy ra khi cơ thể không tiếp xúc với tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn…) hoặc vaccine trong thời gian dài.

Không tiếp xúc với tác nhân gây bệnh có thể do từng cá thể không tiếp xúc với người bệnh truyền nhiễm hoặc người lành mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; trong cộng đồng không có người bệnh truyền nhiễm hoặc người lành mang trùng.

Không tiếp xúc với vaccine có thể vì sợ tiêm truyền nên không cho bản thân hoặc người liên quan đi tiêm chủng; khó khăn trong việc tiếp cận với cơ sở tiêm chủng; thiếu các hướng dẫn, cảnh báo về ý nghĩa vai trò của tiêm chủng; thiếu các hướng dẫn để xử lý tình trạng tiêm thiếu, tiêm muộn vaccine; hệ quả của giãn cách xã hội hay đứt gãy nguồn cung vaccine…

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua các hoạt động cộng đồng, tập thể, đông người, gặp gỡ, đi lại… đều bị hạn chế, kết hợp với việc tiếp cận với vaccine của người dân giảm xuống đã tạo nên tình trạng "nợ miễn dịch" với nhiều bệnh truyền nhiễm. Khi cơ thể đang có tình trạng nợ miễn dịch mà lại bị phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh thì khả năng mắc bệnh rất cao, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.

Do đó, TS-BS Lê Khiến Ngãi đề xuất: tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều; kịp thời giải quyết các tình trạng tiêm thiếu, tiêm muộn vaccine; không để đứt gãy nguồn cung vaccine là giải pháp căn bản khắc phục "khoảng trống miễn dịch" và "tình trạng nợ miễn dịch".