Bệnh nhân phát hiện khối u thận cách đây một tháng sau trong lần khám sức khỏe định kỳ. Khối u đường kính 6 cm, được chỉ định phẫu thuật, hôm 18/8.

"Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thận nhưng may mắn phát hiện bệnh rất sớm ở giai đoạn I", GS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc bệnh viện, nói, thêm rằng đó là tín hiệu tích cực cho thấy nhiều người dân đã hình thành thói quen chủ động quan tâm tới sức khỏe. Việc tầm soát ung thư từ sớm giúp quá trình điều trị dễ dàng, kết quả khả quan.

Đây là trường hợp đầu tiên ở Bệnh viện K được phẫu thuật cắt u thận bằng robot thế hệ mới và cũng là một trong số rất ít ca bệnh ung thư thận ở Việt Nam được ứng dụng cách mổ hiện đại này. Hiện phương pháp này mới chỉ được áp dụng ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Bác sĩ Bình chia sẻ, phẫu thuật vẫn là phương pháp chính mang tính triệt căn trong điều trị ung thư thận. Mổ mở kinh điển đã được áp dụng từ nhiều năm trước; nay phẫu thuật xâm nhập tối thiểu có nhiều ưu điểm hơn.

Trong phẫu thuật xâm nhập tối thiểu, phương pháp phẫu thuật bằng robot có nhiều ưu điểm vượt trội giúp phẫu thuật viên phẫu tích tỉ mỉ, hạn chế tối đa việc chảy máu, lấy được trọn vẹn khối u và hạch vùng, giảm sang chấn ở tạng lân cận.

Phẫu thuật viên có thể thao tác linh hoạt bằng cánh tay robot di dộng xoay 360 độ, quan sát rõ nét, bác sĩ có thể kiểm soát cuộc mổ, kể cả các trường hợp khó.

"Phẫu thuật bằng robot cho bệnh nhân trên được thực hiện đảm bảo nguyên tắc ung thư học, lấy trọn vẹn tổn thương, nạo vét hạch tối đa, bảo toàn tất cả tổ chức lành xung quanh", bác sĩ Bình nói.

Phương pháp này giúp bệnh nhân giảm đau tối đa sau mổ, hồi phục nhanh chóng, sớm trở về sinh hoạt thường ngày nhanh hơn so với mổ mở.