Chiều 9/10, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã công bố thành công của ca ghép đồng thời tim/gan trên một bệnh nhân.
Trước đó Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã ghép được tim/thận, gan/thận và ca ghép tim/gan vừa được công bố là ca đầu tiên trong lịch sử y học nước nhà. Điểm hết sức đặc biệt là ca ghép được tiến hành trên bệnh nhân bị suy tim, sự sống được duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo (ECMO) và gan cũng bị suy phải dùng máy lọc để duy trì chức năng hoạt động.
Bệnh nhân là anh Đ.V.H – 41 tuổi, bị bệnh cơ tim giãn từ nhiều năm nay, chức năng tim đã suy giảm. Cách đây 1 tuần, anh H. nhập viện điều trị suy tim tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Ngày 30/9, anh H. bị suy tim mất bù, không đáp ứng với phương pháp điều trị thông thường. Tình trạng này khiến gan mất hoàn toàn chức năng, cộng thêm bắt đầu suy thận.
Cùng ngày hôm đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (là bệnh viện vệ tinh của BV Việt Đức) thông tin có một bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, không còn hy vọng sống. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng của người thân. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cử ngay một ekip vào Nghệ An để hỗ trợ hồi sức cho người bệnh.
Trưa ngày 1/10, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã chết não, các tạng có thể sử dụng để ghép cho những người bệnh khác.
Ngay lập tức một cuộc họp của hội đồng chuyên môn được triệu tập với sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực: Hồi sức, Tim mạch, Gan, Thận. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện cho biết, trong cuộc họp có ý kiến chỉ nên ghép tim, để gan tự hồi phục, nhưng sau khi xem xét các chẩn đoán hội đồng nhận định gan không thể hồi phục.
"Kết quả sinh thiết gan của bệnh nhân sau đó cho thấy hoại tử 50%, không có cơ hội bình phục, buộc phải ghép gan. Vì thế, chỉ định ghép gan, tim là hợp lý. Nếu chỉ ghép tim, gan hỏng, bệnh nhân cũng không có cơ hội qua khỏi" - PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ.
Theo TS.BS Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, việc quyết định ghép cùng lúc cả tim/gan cho bệnh nhân đã bị suy đa tạng giai đoạn nặng là một quyết định đầy khó khăn, thử thách với các y bác sĩ.
"Đây là trường hợp ghép khó nhất từ trước đến nay vì cả 2 tạng quan trọng là tim gan đều hỏng, và chúng tôi lại ghép trong tỉnh cản cấp cứu, có nghĩa là không được chuẩn bị. Bệnh nhân suy gan đến mức máu lấy ra không còn đông được nữa. Khó khăn thứ 2 là 2 tạng dùng để ghép được lấy từ cách Hà nội hơn 300km, phải di chuyển nhanh để thời gian tạng bị tách ra khỏi cơ thể ngắn nhất.. Tất cả mọi khâu phải rất khẩn trương, các chuyên khoa đều phải phối hợp…" - theo TS.BS Dương Đức Hùng.
Trưa 1/10 các bác sĩ đã thực hiện lấy tạng, hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An ghép 2 thận cho bệnh nhân, một ekip khác mang quả tim, gan của người hiến về Hà Nội.
Ca ghép được bắt đầu lúc 14h30 và kết thúc vào 19h30 cùng ngày. 2h sáng bệnh nhân được chuyển về hồi sức. Sau 8 tiếng phẫu thuật, trái tim ghép đã bắt đầu đập trở lại. Sau 36 tiếng, các chức năng gan-tim đã hồi phục dần dần và ngày một tốt lên.
"Hôm nay tiên lượng ca phẫu thuật ghép gan-tim đã thành công 70-80%. Bệnh nhân đã rút được nội khí quản, tỉnh táo, có thể nói chuyện, chức năng gan hồi phục gần trở về bình thường" - PGS TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng thông tin.
Thành công của ca ghép đồng thời tim-gan trên một bệnh nhân không chỉ là niềm tự hào của riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mà còn khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của nền y học nước nhà.