Anh Đ.H.H (38 tuổi, Thái Bình) được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng hai cẳng chân bị đứt rời. Anh H cho biết, trước đó, trong lúc đang sửa máy, do bất cẩn anh đã đứng vào trong khuôn của máy ép vải sợi khi đóng cầu giao thử máy. Lập tức khuôn ép cắt đứt rời 2 cẳng chân. Ngay lập tức, nạn nhân được sơ cứu, sau đó được chuyển đến cơ sở y tế.

Ngay khi chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, TS-BS Nguyễn Viết Ngọc – Phó chủ nhiệm Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình đã cũng các bác sĩ trực tiếp khám cho bệnh nhân.

“Hai chi được băng cầm máu tại chỗ, hai cẳng chân đứt rời được bảo quản mát đúng cách. Sau khi khám, chúng tôi đánh giá toàn trạng bệnh nhân tốt. Có khả năng trồng lại chi thể cho bệnh nhân. Thời gian đòi hỏi phải vô cùng khẩn trương, các xét nghiệm và chuẩn bị cho ca mổ chỉ diễn ra trong vòng chưa đến 1 tiếng đồng hồ”- TS-BS Nguyễn Viết Ngọc nói.

2 kíp phẫu thuật nối hai cẳng chân đứt rời được triển khai cùng lúc. “Nếu phẫu thuật từng chi thì thời gian tái tưới máu sẽ không đảm bảo, thời gian các chi thể bị thiếu máu sẽ bị lâu, do vậy chúng tôi phải triển khai đồng thời 2 kíp. Với nhân lực của khoa chúng tôi có thể triển khai 3 kíp mổ vi phẫu cùng lúc. Cuộc phẫu thuật diễn ra liên tục trong khoảng 6 giờ” – BS Ngọc cho biết.

Mổ trồng lại chi thể cần đảm bảo 3 phần: kết xương; xử lý mạch máu thần kinh (vi phẫu); xử lý gân cơ. Với bệnh nhân H, các bác sĩ đã tiến hành trồng hoàn chỉnh chi thể, làm kết xương đơn giản nhưng đủ chắc, khẩn trương. Tiếp đó, xử lý mạch máu thần kinh và cuối cùng là xử lý gân, cơ. Có những trường hợp phải làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 làm cho chi sống lại và giai đoạn 2 là phục hồi chức năng, nhưng yếu tố quan trọng nhất trong trồng lại chi thể chính là nối được mạch máu và thần kinh để hồi sinh lại chi thể.

“Như bệnh nhân này phần đứt rời lớn chúng tôi phải nối mạch trước để chi được cấp máu sớm, sau đó mới xử trí thần kinh và gân, còn các trường hợp đứt rời nhỏ chúng tôi có thể nối gân trước, sau đó nối mạch, nếu thời gian đến bệnh viện sớm có thể nối gân trước nối mạch, như vậy sẽ thuận lợi hơn. Tùy từng trường hợp chúng tôi có phương án thực hiện phẫu thuật linh hoạt để đảm bảo cứu sống chi thể và hồi sinh chức năng cho bộ phận này”- TS Ngọc chia sẻ.

Đối với phần chi thể đứt rời lớn và đứt rời nhiều chi thể cùng lúc trên một người bệnh thì việc trồng lại chi thể cần được tính toán rất kỹ, nếu không cẩn thận sẽ nguy hiểm cho tính mạng người bệnh do hội chứng tái tưới máu kèm theo các độc tố phân hủy từ phần tổ chức chi thể đứt rời. Do quá trình sắp xếp kíp phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, phương pháp phẫu thuật hợp lý nên cả 2 cẳng chân đều được tái tưới máu sớm ở giờ thứ 6 và thứ 7 sau tổn thương.

Sau phẫu thuật bệnh nhân chuyển về khoa hồi sức cấp cứu để theo dõi và điều trị hồi sức. 2 ngày tiếp theo bệnh nhân ổn định, được chuyển về khoa Phẫu thuật chi trên và Vi phẫu thuật theo dõi điều trị. Ngày thứ 6 sau mổ, toàn trạng bệnh nhân đã phục hồi tốt, lượng máu trở lại bình thường, huyết động ổn định; tại chỗ vết mổ khô, bàn ngón chân 2 bên hồng ấm và hồi lưu tốt, mạch mu chân - ống gót rõ. Tiên lượng diễn biến thuận lợi. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh và thuốc chống đông trong khoảng 10 ngày sau mổ, thay băng chăm sóc vết mổ hàng ngày. Sau 14 ngày, hai chân của bệnh nhân đã hết sưng nề.

“Hiện tình trạng cấp máu cho phần chi trồng lại rất tốt và ổn định. Bệnh nhân đã cử động gấp được các ngón chân, tiên lượng sẽ phục hồi chức năng tốt. Nếu tiến triển tốt khả năng sẽ ra viện trong tuần sau. Trước khi ra viện, bệnh nhân sẽ được cắt chỉ vết mổ, khám định kỳ sau 8 tuần, chúng tôi sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tập luyện, sau đó bệnh nhân sẽ thực hiện tập phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế có khoa PHCN”- BS Ngọc cho hay.

Theo TS-BS Nguyễn Viết Ngọc, tình hình đứt rời chi thể do mất an toàn trong lao động rất thường gặp, nhưng rất hiếm gặp trường hợp đứt rời cả 2 cẳng chân. Đây là trường hợp đầu tiên được nối lại cả 2 cẳng chân trên một người bệnh ở Việt Nam.