Từ đầu mùa hè đến nay, tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc, số lượng bệnh nhân cúm A đang tăng bất thường. Trong đó, trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều.

Tại Bệnh viện Nhi TW, từ nửa tháng nay, các giường bệnh tại đây luôn chật kín, có lúc phải kê thêm giường bệnh trong lúc chưa bố trí kịp. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốt cao hơn 39°C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, cúm, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh...

Có trường hợp bệnh nhi ở Nghệ An mắc cúm A bị suy hô hấp nặng, tổn thương phổi, chuyển ra Hà Nội phải can thiệp bằng ECMO.

Ngoài lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú, các bệnh nhân cúm A mức độ nhẹ đến khám được bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú. Phần lớn trẻ mắc cúm A đến khám Bệnh viện Nhi Trung ương dưới 5 tuổi, ở Hà Nội và 1 số tỉnh thành xung quanh.

Triệu chứng của cúm A

Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9…, lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ đều có thể bị sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không.

Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Lo ngại trẻ bị biến chứng viêm não sau nhiễm cúm A tăng

Qua thăm khám các bệnh nhi, các bác sĩ nhận định, diễn biến của bệnh cúm A năm nay so với năm 2009 (ngành y tế thống kê 10 năm 1 lần) có nhiều điểm khác nhau. Các triệu chứng bệnh cũng nặng hơn trước.

Đáng lưu ý là ở Bệnh viện Nhi TW, hiện có 40-45% trẻ mắc cúm A bị co giật, trong đó có khoảng 3-6% trẻ bị biến chứng viêm não. Con số này tăng so với những năm trước đây.

Để phòng bệnh cúm lây lan, bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần sử dụng điều hòa đúng cách, không nên bật cả ngày mà nên có khoảng thời gian tắt điều hòa, mở cửa cho không khí lưu thông và diệt trừ virus.

Ngoài ra người dân cần tiêm vaccine phòng cúm hằng năm hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra (tháng 3, 4, 9, 10 trong năm).

Cùng với đó mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.