Hiện nay, xu hướng tiêu dùng an toàn tăng, nhờ đó kinh doanh thực phẩm hữu cơ được coi là một trong những tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp ngành nông nghiệp công nghệ cao. Nhất là khi nước ta đã gia nhập Hiệp định thương mại tự do với các nước Liên minh Châu Âu, các doanh nghiệp này sẽ có nhiều cơ hội được mở rộng thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngay tại thị trường trong nước thì họ lại gặp nhiều khó khăn khiến không ít cơ sở không thể trụ được lâu dài. Anh Trần Quốc Quân – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Quốc Quân, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Nhiều năm nay, đơn vị đã trồng và bán trà, cam, na, bưởi hữu cơ nhưng lãi suất thấp, đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Lý do là Hợp tác xã chưa thể làm được giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong khi cơ sở không có cách nào để quảng bá thương hiệu".

Doanh nghiệp không có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, điều này đã tạo thuận lợi cho những kẻ làm ăn bất chính trà trộn thực phẩm kém chất lượng vào bán với giá cao khiến người mua không biết đâu là hữu cơ thật sự để mà tin tưởng.

PGS.TS Lê Văn Hưng – Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nêu rõ: “Hiện nay, nước ta đã có đủ hành lang pháp lý thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ phát triển như Nghị định 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ đã có đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành tiêu chuẩn chế biến sản phẩm hữu cơ nhưng các văn bản, nghị định đó mới bước đầu tháo gỡ cho người sản xuất thôi còn nhiều rào cản khác khiến nhà sản xuất và người tiêu dùng khó có thể “gặp nhau”.

Thực tế, hai mắt xích này chỉ có thể khớp nối được nếu có một bên thứ 3. Đó là đơn vị chứng nhận. “Đội ngũ cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra phải hiểu thực sự về thực phẩm hữu cơ. Muốn thế, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người làm công tác quản lý cấp cơ sở phải được tăng cường hơn nữa thời gian tới… Và, việc quan trọng không kém là có những quy định về danh mục vật tư đầu vào… Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi có sự thay đổi trong tư duy của các nhà lãnh đạo, các ban ngành và cả người nông dân trong sản xuất nông nghiệp” PGS.TS Lê Văn Hưng nhấn mạnh.