Hiện nay, Bộ Y tế đã phát cảnh báo về nguy cơ dịch cúm gia cầm tại một số địa phương có thể lây sang người và khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh. Còn Cục Thú y cũng đã khuyến cáo người giết mổ, buôn bán gia cầm và gia cầm sống cần lưu ý tránh để dịch lây lan nhất là trong dịp cuối năm. Dưới góc độ là một chuyên gia nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy chia sẻ “dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là cúm sẽ có tốc độ lây lan rất lớn. Nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng chống thì dịch sẽ rất dễ bùng phát”.

Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng đàn và sản lượng gia cầm trong những tháng qua tiếp tục tăng ở cả khu vực chăn nuôi hộ gia đình, doanh nghiệp. Như vậy, nguồn cung như hiện nay sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán. Vấn đề bây giờ là việc phòng dịch phải đảm bảo thật tốt để người tiêu dùng cảm thấy an toàn khi lựa chọn thịt gia cầm cho các bữa ăn và phòng tránh dịch bệnh lây lan phức tạp.

Lâu nay, người dân vẫn có thói quen mua gia cầm sống hoặc mổ sẵn tại các chợ với tâm lý phải được nhìn, được tự tay chọn và mua, như thế mới tươi ngon. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tại các chợ gia cầm sống có phải là điều dễ dàng.

“Trước hết, có thể thấy rằng quản lý thị trường về lưu thông rồi kinh doanh, giết mổ đối với gia cầm rất phức tạp, thực tế đã diễn ra nhiều năm nay và năm nào cũng thấy vẫn còn những điểm trống thiếu và cũng nhiều năm chưa khắc phục được. Việc quản lý không dễ dàng bởi vì chợ thì rải rác, lực lượng quản lý thị trường, lực lượng thú y, lực lượng kiểm định rất ít. Thêm nữa, người dân không hiểu hết được sự nguy hiểm của dịch bệnh mà mức độ tiêu dùng thì vào đến từng hộ gia đình”- chuyên gia Hoàng Trọng Thủy khẳng định.

Chợ là nơi lưu giữ gia cầm mà các tỉnh, các địa phương hoặc là của các địa phương khác tập trung về, đặc biệt là thị trường giáp thành phố và các khu công nghiệp. Thứ hai chợ còn là nơi giết mổ và bán thực phẩm gia cầm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, thời điểm từ nay đến Tết, người nông dân vẫn có nhu cầu tăng đàn cho nên chợ còn là nơi bán giống. Vì thế vai trò của Ban quản lý chợ cũng như các hộ kinh doanh phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

“Bởi chợ là điểm trọng yếu trong lưu thông, trong phân phối, trong tiêu dùng thực phẩm gia cầm trong phạm vi cả nước và nếu chúng ta coi trọng địa bàn chợ trong công tác kiểm tra, quản lý, truy xuất nguồn gốc và khử trùng tiêu độc ngay tại nơi của người kinh doanh (giết mổ hoặc bán) gia cầm thì ngăn chặn được tương đối kịp thời và nếu chúng ta không làm tốt thì nơi đây chính là một ổ bệnh để có thể phát tán bệnh trong thời gian rất ngắn và diện rất rộng thì sẽ khiến cho dịch bùng phát và thiệt hại trên đàn gia cầm ngày càng tăng” – chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhận định.

Cùng với vai trò của các cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng, người kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi gia cầm thì nhận thức của người tiêu dùng cũng cần được nâng lên để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình mình. Theo chuyên gia, người tiêu dùng cần ghi nhớ những nguyên tắc quan trọng để lựa chọn được những sản phẩm gia cầm tươi ngon và chất lượng.

Nguyên tắc chọn mua thực phẩm, đối với thực phẩm bao gói sẵn thì sản phẩm phải nguyên vẹn như ban đầu của nhà sản xuất, các nhãn mác phải rõ ràng, đầy đủ các thông tin như thông tin về sản phẩm, khối lượng, thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất, hướng dẫn sử dụng và chỉ mua những sản phẩm còn hạn sử dụng, nên mua những sản phẩm có hạn sử dụng thời gian càng dài thì càng tốt.

“Đối với thực phẩm tươi sống, nếu mua trong siêu thị thì nên chọn mua những sản phẩm được bảo quản trong điều kiện ổn định phù hợp, thoáng mát và an toàn. Nếu người tiêu dùng mua ở chợ truyền thống thì nguyên tắc nên chọn hàng của những người quen và bán hàng có uy tín. Tránh mua thực phẩm ở những quầy hàng gần những nơi có nguy cơ ô nhiễm như cống rãnh, bãi rác, nơi chứa rác và gần nhà vệ sinh. Người tiêu dùng nên chọn quầy hàng bày bán riêng biệt, không bị lẫn rau, cá, thịt. Khi mua thịt nên mua các loại thịt có màu đỏ tươi và đỏ sẫm. Khi ấn ngón tay vào thớ thịt sẽ thấy có độ đàn hồi, không bị nhão. Không mua thịt bị nhớt và có mùi lạ. Thịt giữa da và mỡ mà bị chảy thì có nghĩa là giết mổ lâu hoặc đã bị bơm nước vào hoặc thịt. Nguyên tắc quan trọng nữa là phải rõ về mặt truy xuất nguồn gốc”- ông Hoàng Trọng Thủy khuyến cáo.

Để loại bỏ những nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ các sản phẩm gia cầm trong giai đoạn có dịch cúm gia cầm, ông Hoàng Trọng Thủy khuyến cáo 6 nguyên tắc vàng phải tuân thủ đối với người dân trong cách chế biến thực phẩm:

-Chọn nguồn nguyên liệu an toàn

-Không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín

-Giữ bàn tay, dụng cụ, dao thớt, rổ rá, xoong nồi và bề mặt bếp trước khi chế biến thật sạch sẽ, khô ráo.

-Sử dụng nguồn nước sạch

-Nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến

-Không để thực phẩm đã chế biến trong tủ lạnh trong thời gian dài vì gây mất an toàn thực phẩm, đồng thời làm suy giảm chất lượng đồ ăn.

Mời nghe tại đây: