Đáng chú ý trong đó, Luật chỉ định Bộ Y tế xây dựng và quy định danh mục trường hợp được chuyển tuyến BHYT mà không cần giấy chuyển viện. Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện thông tư và trình ban hành theo thủ tục rút gọn để có hiệu lực sớm ngay trong đầu năm 2025, giúp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thuận lợi hơn trong khám chữa bệnh.

10h sáng tại BV K cơ sở 2 Tam Hiệp- Thanh Trì- Hà Nội, rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Những gương mặt mệt mỏi, tái xám vì đau đớn, vì hóa chất, xạ trị.

Ông Vũ Đình Minh, 64 tuổi quê Thái Bình, giới thiệu về bản thân và không quên nói về căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, đang phá hủy sức khỏe của ông hằng ngày. Hơn 9 tháng điều trị tại bệnh viện K cơ sở 2, với những đợt điều trị tích cực, ông đã thấy khá hơn. Tuy nhiên, khi năm cũ dần hết, ông lại có mối lo về tấm giấy chuyển tuyến BHYT. Vì bệnh nặng thường bệnh nhân ung thư sức khỏe yếu nên việc đi xin giấy đem lại khá nhiều bất tiện và phiền hà.

Hóa ra, không chỉ riêng ông Minh, hầu hết các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại BV K đều có chung nỗi lo này. Bởi, thiếu giấy chuyển tuyến BHYT, bệnh nhân sẽ không thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh vì thế, ai cũng cố lo cho xong để sang năm mới có thể yên tâm tiếp tục điều trị.

Vì thế, khi nghe tin Luật BHYT mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025, các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại BV K cơ sở 2 cảm thấy rất phấn khởi. Đặc biệt, với quy định không cần giấy chuyển tuyến BHYT đối với trường hợp người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, người bệnh được lên thẳng tuyến trên mà không cần giấy chuyển viện.

Theo quy định hiện hành, có khoảng 62 bệnh, nhóm bệnh được chuyển viện mỗi năm một lần. Khi chuyển viện sẽ phải chuyển từ cơ sở y tế cấp huyện lên bệnh viện đa khoa tỉnh và tiếp sau đó lên bệnh viện tuyến trung ương. Việc này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên là rất mất thời gian, trong khi có những bệnh yêu cầu phải chuyển ngay. Vì thế, Bộ Y tế và BHXH VN đang gấp rút xây dựng danh mục các bệnh không cần giấy chuyển viện để tạo thuận lợi cho người bệnh.

"Khi ban hành danh mục thì người bệnh sẽ được điều trị tại tuyến trên bởi vì trước đây những bệnh này đã được khám chữa bệnh tại các cơ sở tuyến trên rồi bởi vì tuyến dưới có tiếp nhận thì vẫn cứ phải chuyển lên tuyến trên vì thế quy định này chỉ tạo thêm thuận lợi cho người bệnh không ảnh hưởng nhiều đến quỹ BHYT. Tiết kiệm nữa là người bệnh không phải trải qua những bước làm xét nghiệm, khám chẩn đoán ở tuyến dưới nữa mà trực tiếp điều trị tại tuyến trên"- ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Chính sách BHYT- BHXH VN cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 100 căn bệnh hiếm (như bệnh máu khó đông, các bệnh rối loạn chuyển hoá...) và 6 triệu người đang mắc bệnh hiếm, trong đó có tới 58% bệnh hiếm xuất hiện ở trẻ em, 30% trẻ mắc bệnh hiếm tử vong trước 5 tuổi. Thực tế Quỹ BHYT hàng năm phải chi trả hàng tỉ đồng cho không ít trường hợp mắc bệnh hiếm.

Với bệnh hiểm nghèo, Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định 134/2016 của Chính phủ quy định có 42 bệnh hiểm nghèo; trong đó có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận), phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, bỏng nặng, bệnh cơ tim, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ...

Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, danh mục trên ban hành đã nhiều năm, cần được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với mô hình bệnh tật và các tiến bộ trong điều trị.

Mời nghe tại đây: