Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Tổ trưởng Tổ điều trị Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, hệ thống điều trị “tháp 3 tầng” là mô hình rất mới, chỉ có tại Bắc Giang.

Tầng thứ nhất là các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19, được tận dụng từ các cơ sở hạ tầng sẵn có của tỉnh. Các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Công tác điều trị thực hiện chặt chẽ: Được xét nghiệm, chụp X-quang để theo dõi tình trạng phổi, cùng với các hỗ trợ về mặt sức khỏe để bệnh nhân nhanh hồi phục và giảm nguy cơ diễn biến nặng. Gần đây nhất, cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19 với quy mô 1.800 giường đặt tại khu nhà ở xã hội của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động từ ngày 08/6.

Tầng thứ hai, bao gồm 11 bệnh viện điều trị Covid-19 là các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ các trung tâm y tế huyện và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bắc Giang đã xây dựng 2 bệnh viện dã chiến gồm Bệnh viện Dã chiến số 1 hoạt động tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Bắc Giang với quy mô 200 giường bệnh và Bệnh viện Dã chiến số 2 được đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang với quy mô 620 giường bệnh. Đây là một trong những bệnh viện dã chiến lớn nhất từ trước đến nay với tổng số nhân viên y tế phục vụ lên đến 500 người, được huy động từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế quận huyện và phòng khám tư nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn có 165 cán bộ y tế công tác tại Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) cùng tham gia chi viện. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang còn thiết lập 1 bệnh viện dã chiến tại Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang) do Bệnh viện Quân Y 103 vận hành.

Tầng thứ 3, là cơ sở điều trị bệnh nhân nặng. Để đáp ứng dự báo tình hình số ca mắc tăng nặng, Bộ phận thường trực và Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang đã triển khai quyết liệt để sớm cho ra đời trung tâm hồi sức tích cực (ICU). Sau quá trình kiểm tra, đánh giá, Bộ phận thường trực đã quyết định thành lập 2 trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với quy mô lớn, hiện đại với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế giỏi và tinh nhuệ.

Cho đến nay, hệ thống điều trị đã đáp ứng được yêu cầu với nhiều ca bệnh nặng phải thở máy đã có thể cai máy thở, sức khỏe hồi phục.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, để làm tốt công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần chú trọng hoàn thiện và duy trì hoạt động 2 đơn vị hồi sức tích cực để sẵn sàng thu dung những trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng để điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong khi các đội chi viện rút đi. Đồng thời, có chiến lược thu gọn các cơ sở điều trị sau khi các bệnh nhân ra viện. Đặc biệt phải làm sao để sớm đưa các Trung tâm y tế và một số bệnh viện trên địa bàn hoạt động trở lại để khôi phục lại các hoạt động y tế phục vụ người dân.

Việc giảm bớt các cơ sở điều trị sẽ góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực và thuận tiện quản lý công tác điều trị. Đồng thời, vẫn cần giữ lại một số cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19 để đề phòng trường hợp các ca F0 tiếp tục tăng. Ngoài ra, Bộ phận thường trực cũng yêu cầu Sở Y tế Bắc Giang và các đơn vị phải chú ý quan tâm đến mạng lưới chăm sóc điều trị cho những bệnh nhân khác trên địa bàn.