Theo TS.BS Phan Thị Kim Dung- Phó Trưởng khoa Nhi hô hấp, BV Đa khoa Xanh Pôn, Việt Nam nằm trong số 15 nước có tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm phổi cao nhất thế giới. Đây là bệnh lý thông thường của đường hô hấp, có thể điều trị bằng kháng sinh thông thường. Nhưng thực tế cho thấy, trong 15 năm qua, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ngày càng tăng, tại các khoa hồi sức cấp cứu ghi nhận nhóm bệnh nhân nặng cũng tăng, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh.

Ở trẻ em, mặc dù chưa có thống kê, song số bệnh nhi bị viêm đường hô hấp đang cao hơn người lớn.

“Kháng kháng sinh ngày càng nhiều và trở thành vấn đề nghiêm trọng. Trong quá trình hành nghề của chúng tôi, đặc biệt là ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là tuyến cuối của Hà Nội thì những bệnh nhi đến với chúng tôi thường đã được điều trị ở khá nhiều nơi và tình trạng nặng nên gặp những trường hợp vi khuẩn kháng kháng sinh là rất nhiều”..

Trước đây, chỉ dùng thuốc kháng sinh đơn thuần thế hệ 1 thôi có thể điều trị được nhóm bệnh đơn giản như viêm phế quản, viêm phổi thì khi có tình trạng kháng kháng sinh tăng cao, những bệnh như viêm phổi, thậm chí chỉ một vết xước của da thôi gây nên tình trạng viêm phổi tụ cầu cũng có thể dẫn đến bệnh nặng, phải điều trị rất khó khăn, kéo dài và tốn kém” – TS.BS Phan Thị Kim dung cho biết.

Như trường hợp của bé Nguyễn Trà My, 14 tháng tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội đã phải nhập viện nhiều lần trong một tháng để điều trị viêm phổi. Chị Vũ Hải An, mẹ bé cho biết, trước đó, ở nhà bé bị ho khò khè, gia đình mua thuốc kháng sinh ở hiệu thuốc gần nhà cho bé uống. Vài hôm sau, triệu chứng của bé tăng lên, chị Hải An lại ra hiệu thuốc và được giới thiệu loại thuốc kháng sinh khác mạnh hơn. Thế nhưng triệu chứng của bé vẫn không đỡ, thậm chí còn bị sốt, gia đình cho bé vào BV đa khoa Đống Đa điều trị. Bé được truyền thuốc 1 tuần, về nhà 3 ngày thì bị sốt trở lại, gia đình đưa bé đến BV Đa khoa Xanh Pôn.

“Bác sĩ khám lại thì bảo là do viêm phế quản, viêm phổi rồi thay thuốc kháng sinh khác nhưng đêm đó ho nhiều, sốt cao thì lại cho bé nhập viện. Bây giờ là điều trị viêm phổi ở BV lần 2 rồi. Sang ngày thứ 10 thì tình trạng đáp ứng của bé tốt lên” – chị Hải An chia sẻ.

Cũng cùng hoàn cảnh tương tự, đây là lần thứ 2 trong tháng, bé Hoàng Duy, 5 tháng tuổi ở phố Lĩnh Nam phải nhập viện điều trị bệnh viêm đường hô hấp. Chị Nguyễn Thùy Linh, mẹ bé cho biết: Lần này, Hoàng Duy bị mắc nhiều bệnh cùng lúc: Viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi và nhiễm trùng máu. Mỗi ngày, bé sẽ phải tiêm 3 mũi kháng sinh loại mạnh do bị kháng thuốc kháng sinh:

“Trước bạn ấy vào rồi nhưng bị kháng kháng sinh, bj sốt lại lại vào viện, nằm đây 9 ngày. Bây giờ nhiễm trùng chỉ bị còn nhẹ thôi. Bây giờ trở đi, nếu có dấu hiệu ốm thì cho vào viện, chứ không khám ngoài nữa, ở nhà không thấy thuyên giảm” – chị Thùy Linh nói.

Tại khoa Nhi hô hấp, BV Đa khoa Xanh Pôn có nhiều trẻ bị kháng đến 3 -4 loại thuốc kháng sinh. Đối với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ phải làm xét nghiệm, cấy vi khuẩn và thay loại kháng sinh khác mạnh hơn để điều trị cho trẻ.

Chia sẻ về những trường hợp này, TS.BS Phan Thị Kim Dung cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh.

Nguyên nhân dầu tiên dẫn đến kháng kháng sinh là vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh. Nhiều mẹ mua kháng sinh rất dễ, không cần đơn thuốc, không cần chỉ định của bất kỳ bác sĩ nào mà vẫn có thể mua thuốc dễ dàng tại các hiệu thuốc hay mua trên mạng để cho trẻ uống”.

Vấn đề thứ hai là lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc và cũng là gánh nặng gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam và trên toàn cầu. Ngoài ra, khi vi khuẩn kháng kháng sinh ra đời thì nó có sự lan rộng, lây chéo nhiều, nhất là trong cộng đồng, khiến cho các em bé chưa bao giờ sử dụng kháng sinh cũng có thể nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh này và mắc bệnh nặng, điều trị kéo dài và gây nguy hiểm, thậm chí là nguy cơ tử vong rất cao.

Ngoài ra, chúng ta có thể gặp ngoài cộng đồng, trong các cơ sở y tế, hoặc là người bệnh có thể lạm dụng kháng sinh bằng cách mua lại đơn cũ trước đây của bác sĩ, chia sẻ kinh nghiệm điều trị của con mình cho các mẹ khác.

Một nguyên nhân nữa cũng khá phổ biến, đó là nhiều mẹ có tâm lý sợ cho con dùng kháng nên thường pha loãng thuốc ra hoặc cho con uống không đủ liều, không đủ số ngày. Tình trạng này kéo dài cũng dấn đến kháng kháng sinh.

Nếu tình trạng kháng kháng sinh không được kiểm soát tốt thì ngày càng có ít thuốc để sử dụng. Khi đó trẻ có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao. Do đó, BS Phan Thị Kim Dung khuyến cáo việc đầu tiên, cha mẹ nên nhận thức rằng kháng kháng sinh là vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn là tính mạng của trẻ. Trong gia đình, nếu chỉ một người mắc vi khuẩn kháng kháng sinh cũng có thể lây sang người khác, tương tự trong cộng đồng cũng vậy.

“Cha mẹ thấy con ốm, muốn sử dụng thuốc cho con thì nên hỏi ý kiến chuyên gia, bác sĩ thay vì tìm bác sĩ google, nghe lời khuyên của một bà mẹ khác hay tin tưởng người bán thuốc nói rằng đó là thuốc kháng sinh nhẹ. Khi đặt bút kê một loại thuốc điều trị cho người bệnh thì bác sĩ sẽ trải qua quá trình khám, xét nghiệm, đánh giá kết luận bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp em bé có triệu chứng của tình trạng nhiễm khuẩn.

Về phía gia đình, các mẹ ngoài việc cho con uống thuốc theo đơn của bác sĩ thì cũng nên vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt, vệ sinh môi trường tốt vì hầu hết các vi khuẩn sẽ lây chéo, đặc biệt là nhóm bệnh hô hấp, lây qua đường hô hấp thì nó sẽ lây chéo qua các dịch tiết, nước bọt, qua đồ chơi chung” – BS Phan Thị Kim Dung khuyến cáo.

Khi thấy con có các triệu chứng ho đờm, sổ mũi hay sốt thì cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ sớm, khi đó, bác sĩ mới là người quyết định con có nên dùng kháng sinh hay không.

“Việc quyết định cho trẻ dùng kháng sinh sẽ được cân nhắc kỹ. Có những tình huống nhiễm trùng nặng, có nguy cơ sốc nhiễm khuẩn hoặc với những vi khuẩn độc lực cao thì việc sử dụng kháng sinh sớm và đúng thì rất phù hợp để cứu chữa người bệnh. Còn những tình huống chưa rõ nguyên nhân là gì, có thể tỷ lệ cao là do virus thì việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết” – BS Phan Thị Kim Dung nhấn mạnh.