Đến nay, nhiều người không còn nhớ đồ uống có ga bắt đầu bán ở Việt Nam từ khi nào và cũng chẳng mấy ai quan tâm đến điều đó, nhưng thực tế là qua nhiều năm, dù có những loại đồ uống mới xuất hiện trên thị trường thì nước uống có ga vẫn được giới trẻ và trẻ em ưa thích.

“Gia đình tôi đông người, tụ tập đầy đủ phải hơn 20 người, có đầy đủ từ người già đến trẻ nhỏ, bọn trẻ thích uống đồ uống có ga, người lớn có bia rượu thì cũng phải mua cho chúng. Riêng con nhà tôi thì hầu như ngày nào cũng uống. Uống nước ngọt quen rồi, bây giờ mà chuyển sang uống loại khác thì thấy nhạt nhẽo, không có vị” - Anh Nguyễn Sơn Hùng sống tại phố Núi Trúc- quận Ba Đình- Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, trước thông tin vừa qua, sản phẩm Coca-Cola đã bị một loạt các nước Châu Âu như Bỉ, Anh, Pháp, Đức thu hồi do phát hiện mức độ Clorat cao trong quá trình kiểm tra đã dấy lên lo ngại cho không ít người tiêu dùng.

Chất Clorat là gì và có đáng lo ngại?

Theo PGS.TS Trần Thượng Quảng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và sức khỏe, ĐH Bách khoa Hà Nội, trước đây, chất Clorat được sử dụng làm chất bảo quản vì có tính diệt khuẩn nhưng ngày nay không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, thực phẩm vẫn có thể bị nhiễm chất Clorat trong quá trình rửa, diệt khuẩn nước.

“Các nước Châu Âu nghiên cứu cho thấy các thực phẩm nhiễm Clorat chủ yếu do nguồn nước đã diệt khuẩn bằng chất Clo. Trong quá trình diệt khuẩn sinh ra Clorat hoặc là các bể chứa, dụng cụ còn tồn tại chất Clorat. Khi sử dụng nguồn nước đó để sản xuất, chế biến hoặc thực phẩm được ngâm rửa bởi nguồn nước đó thì sẽ bị nhiễm chất Clorat. Rau củ quả được rửa bằng nước Clo cũng bị nhiễm Clorat, rồi nước uống sử dụng nước mà được diệt khuẩn bằng Clo cũng bị nhiễm Clorat” – PGS.TS Trần Thượng Quảng cho biết.

Các nước Châu Âu đưa ra quy định, lượng hấp thu Clorat hằng ngày có thể dung nạp được là 3mmg/kg. Theo nghiên cứu trên chuột, Clorat phản ứng với I ốt làm giảm lượng I ốt dẫn đến tuyến giáp và gây ra một số vấn đề về huyết học, giảm hồng cầu, hemoglobin. Nghiên cứu này cho thấy kết quả xảy ra tương tự ở chó và ngay cả khỉ.

Tiếp xúc lâu dài với Natri Clorat cũng gây ra chứng tăng sản tủy xương, tăng sinh tế bào tạo máu ở nách và loài gặm nhấm. Không có bằng chứng rõ ràng về hoạt động gây ung thư của Natri Clorat ở chuột dựa trên tỷ lệ mắc u tuyến tụy. Có bằng chứng có thể gây ung thư ở chuột cái nhưng chưa có nghiên cứu rõ ràng gây ảnh hưởng đối với sức khỏe con người.