Người phụ nữ nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng ho có đờm, đau mỏi người, nặng đầu, khó thở.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết, người bệnh mắc cúm A trên nền suy tủy, do đó bệnh trở nặng hơn người bình thường. Ngày 4/8, đơn vị này phải đặt ECMO - hệ thống tim phổi ngoài cơ thể, để giữ mạng sống người bệnh. Hiện chị vẫn phụ thuộc vào ECMO, chức năng phổi dần cải thiện.

Trước đó, bệnh viện tiếp nhận hơn 100 ca cúm A ở khu công nghiệp thuộc quận Đông Anh, nhiều bệnh nhi khác cũng đến khám do cúm A. Đại diện khoa Nhi nhận định cúm A bùng phát trái mùa vào năm nay, số mắc tăng cao đột ngột vào mùa hè, trong khi các năm trước ghi nhận rất ít hoặc không có ca bệnh.

Cúm A là bệnh lây qua đường hô hấp, tương tự Covid-19. Bác sĩ Phúc cho biết nhóm có nguy cơ cao trở nặng gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu, trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai... Nhóm này cần tiêm phòng cúm hàng năm, có thể tiêm sớm hơn vào năm nay.

Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi mắc cúm A, không nên tự điều trị, nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, điều trị thích hợp.

Khi nào trẻ mắc cúm A cần nhập viện?

Bệnh cúm A diễn biến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có thể bùng thành đại dịch. Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm A. Tuy nhiên, nhóm dễ mắc và nguy cơ biến chứng nặng hơn là người trên 65 tuổi; trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới hai tuổi; người có bệnh nền như huyết áp, tim mạch, bệnh phổi mạn tính...; phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch (HIV, sử dụng corticoid kéo dài).

Khi có biểu hiện nặng như sốt cao từ 39 độ trở lên, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh, co giật hoặc khó thở, thở nhanh... cần đến viện kiểm tra. Các biến chứng cúm A có thể gặp là viêm tai giữa, viêm thanh khí - phế quản, viêm phổi, nặng hơn là suy hô hấp, viêm màng não, viêm cơ tim...