Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh – Giám đốc BV Da liễu Trung ương, hiện nay tỉ lệ phát hiện người mắc bệnh phong mới giảm đều qua các năm, tuy nhiên đây vẫn là căn bệnh truyền nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan. Trong năm 2022, cả nước phát hiện 50 trường hợp mắc mới căn bệnh này. Đa số các trường hợp đều được phát hiện muộn do bệnh nhân thường đi khám ở nhiều chuyên khoa khác nhau rồi mới đến chuyên khoa da liễu.

Trong khi đó, khi phát hiện được người bệnh phong thì ngay từ liều thuốc điều trị đầu tiên đã có thể cắt đứt nguồn lây. Việc khống chế bệnh lây lan là hoàn toàn có thể. Chính vì vậy, khám, phát hiện sớm ca bệnh phong mới là rất cần thiết. Một số dấu hiệu điển hình của bệnh phong như: Tổn thương da thay đổi màu sắc (trắng, thẫm, hồng...) hoặc các mảng đỏ, u da kèm theo có rối loạn/giảm mất/cảm giác (nóng, lạnh, đau, xúc giác), bề mặt tổn thương thường khô, bóng. Dáy tai dày, bóng, rụng lông mày. Tê bì, mất cảm giác tay, chân.ệnh phong là bệnh truyền nhiễm, mức độ lây lan chậm, thời gian ủ bệnh có thể 5 năm đến 10 năm sau khi tiếp xúc với nguồn lây mới có biểu hiện bệnh.

Nguồn lây bệnh chủ yếu của bệnh phong là qua đường hô hấp và tiếp xúc qua da. Tuy nhiên, khả năng lây lan bệnh phong khó hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác.

"Phát hiện sớm người bệnh phong và điều trị ngay thì nguồn lây gần như bị cắt đứt. Sau khi người bệnh kết thúc giai đoạn điều trị thì trong 3-5 năm tiếp theo, bệnh nhân và người xung quanh họ vẫn nằm trong diện giám sát nguồn lây để kịp thời phát hiện sớm ca mắc" – PGS.TS Lê Hữu Doanh nói.

Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 1995 với tỷ lệ lưu hành là 0,9/10.000 dân số. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng nêu gương Việt Nam là quốc gia đi đầu trong khu vực Thái Bình Dương về phòng chống bệnh phong.