Mục tiêu đặt ra có hợp lý?

GS.TS Lê Danh Tuyên, Chủ tịch Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, mục tiêu về phát triển chiều cao trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2022-2030 của TP Hà Nội là hợp lý và hoàn toàn có cơ sở để thực hiện.

Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác có nhiều lợi thế về mặt kinh tế - xã hội để đạt được mục tiêu này. Đó là an ninh lương thực được đảm bảo tốt, không có tình trạng thiếu đói, bữa ăn của người dân khá đầy đủ về mặt dinh dưỡng, trình độ dân trí cũng cao hơn, nhận thức của các bà mẹ về dinh dưỡng tốt hơn so với vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng đối diện với một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện Chiến lược dinh dưỡng Quốc gia nói chung và mục tiêu phát triển chiều cao nói riêng.

Thứ nhất là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở mức cao. “Chẳng hạn vitamin D, không chỉ có giá trị như vi chất dinh dưỡng thông thường nữa mà còn được coi như một loại hormone góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng, thế nhưng tỉ lệ thiếu vitamin D trong cộng đồng lại rất cao. Tôi cho rằng Hà Nội cần phải có những thay đổi về mặt giáo dục, lối sống để cho trẻ em có thể được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn để mà chuyển tiền chất vitamin D thành vitamin D. Bởi nếu trẻ em không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dẫn đến thiếu vitamin D thì rất có thể sẽ kéo theo thiếu magiê, canxi và các khoáng chất khác, điều này ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao” – GS-TS Lê Danh Tuyên phân tích.

Tỷ lệ béo phì ở trẻ em Hà Nội hiện đang ở mức đáng báo động. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ trẻ béo phì ở nội thành Hà Nội trên 41%. Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao mà còn là nguy cơ dẫn tới nhiều bệnh lý mạn tính sau này.

"Vận động thể lực cũng là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn như Hà Nội đây là điểm hạn chế khi sân chơi cho trẻ rất thiếu, số tiết học giáo dục thể chất trong nhà trường không nhiều. Trong khi đó tại các nước phát triển, nhà trường luôn khuyến khích học sinh vận động thể lực và dành nhiều thời gian cho trẻ luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời" - GS-TS Lê Danh Tuyên cho biết.

Giai đoạn vàng trong phát triển chiều cao

Theo GS-TS Lê Danh Tuyên, để thế hệ tương lai cao lớn, khỏe mạnh, cha mẹ cần nắm vững được các “giai đoạn vàng” trong quá trình phát triển của trẻ. Đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn trước 2 tuổi và giai đoạn dậy thì.

“Giai đoạn bào thai thì chúng ta không chỉ quan tâm đến bà mẹ mang thai mà phải quan tâm ngay từ khi người phụ nữ chưa mang thai. Những người phụ nữ đó cần được chăm sóc để không thiếu vi chất dinh dưỡng, làm sao khi bắt đầu làm mẹ là phải ở trong tư thế rất khỏe mạnh. Chúng ta có thể thấy không có một giai đoạn nào trong cuộc đời mà chiều cao tăng nhanh như khi trẻ còn là bào thai trong bụng mẹ. Từ chỗ mới chỉ có 0,5 cm khi được 2 tháng tuổi cho đến khi chào đời, trong vòng vài tháng, trẻ đã cao khoảng 49cm - 50cm” - GS-TS Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.

Tiếp theo là 1.000 ngày vàng trong những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn trước 2 tuổi. Đây là thời kỳ cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng nếu không được chăm sóc cẩn thận. Vì vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì đến khi trẻ được 24 tháng tuổi cần được ưu tiên hàng đầu.

Giai đoạn dậy thì là cơ hội cuối cùng để giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu. Sau dậy thì chiều cao của trẻ vẫn tăng lên song tốc độ chậm dần và ngừng hẳn khi đến tuổi trưởng thành. Toàn bộ quá trình học đường, trẻ cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt đảm bảo không bị thiếu các vi chất dinh dưỡng để khi trẻ bước vào tuổi dậy thì sẽ tạo ra sức bật tăng chiều cao lên.

Đồng thời, từ khi sinh ra, trẻ cần được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển chiều cao.

GS-TS Lê Danh Tuyên khuyến nghị, để đến năm 2030, Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành trên toàn quốc nói chung đạt được mục tiêu đã đề ra về phát triển chiều cao và các mục tiêu dinh dưỡng khác thì không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện, trong đó có sự tham gia của mỗi gia đình cũng như toàn xã hội.