Nhìn lại toàn cảnh bức tranh dân số vàng ở nước ta. Với tỷ số người phụ thuộc đạt dưới 50%, nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Bà Hoàng Thị Thơm – Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế nhận định: Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, điều đó đồng nghĩa đất nước có lực lượng lao động trẻ hùng hậu, nếu chúng ta tận dụng được tối đa sức lao động, trí tuệ thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất dồi dào, tạo ra những giá trị tích lũy phát triển vượt bật về kinh tế cho đất nước.

Từ tháng 4 năm 2023, dân số Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 8 Châu Á và thứ 3 trong cộng đồng các nước khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với hơn 66 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 68% tổng dân số của cả nước. Đây là cơ hội để Việt Nam bổ sung lượng lớn nguồn lao động cho tăng trưởng kinh tế.

Dân số vàng nhưng chất lượng chưa “vàng”

Tuy nhiên, thực chất cơ cấu “dân số vàng” ở nước ta mới “vàng” về mặt số lượng và đang là thách thức đối với xã hội – đó là nhận định của GS.TS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em.

Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế của nước ta chịu ảnh hưởng nặng, hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, tình trạng cắt giảm nhân sự hoặc giảm giờ làm khiến cho cuộc sống của bao gia đình rơi vào cảnh lao đao, hàng triệu người trong độ tuổi đang sung sức để lao động làm ra của cải bị mất việc.

Thất nghiệp, cực chẳng đã, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Việt ở Xuân Trường, tỉnh Nam Định chuyển sang làm nghề đồng nát trong con hẻm nhỏ ở phố Hoàng Cầu, Hà Nội. Công việc vất vả ô nhiễm nhưng cả nhà vẫn phải cố gắng vì miếng cơm manh áo.

“Làm cái này thu nhập lúc được lúc thua . Bây giờ xã hội khó khăn như vậy, mình không đủ bon chen thì thôi phải cố gắng hết sức” – anh Nguyễn Hữu Việt chia sẻ.

Muôn chặng mưu sinh, thu nhập cũng chẳng đáng gì, tiền thuê căn trọ ọp ẹp, tiền ăn uống, sinh hoạt thì thu chẳng bù chi. Chị Nguyễn Thị Thu cũng ở quê Xuân Trường, Nam Định cho biết: "Ở đây chật chội phức tạp, vất vả nhưng vì cuộc sống kinh tế nên phải đi làm nghề này”.

Nâng cao chất lượng dân số để tận dụng lực lượng lao động vàng

Trao đổi với Phóng viên VOV2, bà Hoàng Thị Thơm – Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế nhận định: Thời kỳ dân số vàng của nước ta sẽ kéo dài đến năm 2038, đó cũng là thời điểm bước sang giai đoạn dân số già. Như vậy là chỉ còn hơn 10 năm nữa, nếu chúng ta không phát huy được lợi thế của dân số vàng thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”.

“Già hóa dân số nhanh thách thức về cơ cấu lực lượng lao động và các biến đổi kinh tế - xã hội, thách thức liên quan đến nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi. Già hóa dân số dẫn đến biến đổi cơ cấu lực lượng lao động và các biến đổi kinh tế - xã hội. Thứ hai, thách thức xây dựng một hệ thống an sinh xã hội. Thứ ba, thách thức hệ thống chăm sóc sức khỏe và nguồn lực chi cho y tế lớn” – Bà Hoàng Thị Thơm nhận định.

Thế nên, ngay từ bây giờ nước ta cần tranh thủ giai đoạn này mà giải pháp trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động, tiếp theo đó là nâng cao chất lượng dân số để có những thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên khỏe mạnh. Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, cần coi việc nâng cao chất lượng dân số là chiến lược dài hơi cần thực hiện.

“Bây giờ vận động các bà mẹ mang thai phải tầm soát trước sinh và ngay sau khi sinh con ra phải tầm soát sơ sinh, để phát hiện sớm bệnh tật bởi vì tỷ lệ bệnh tật mà cao thì làm sao đến tuổi lao động anh có thể trở thành một lao động có chất lượng cao được nếu anh có bệnh bẩm sinh. Ngay từ lúc tư vấn trước hôn nhân đã phải chú trọng khám sức khỏe trước hôn nhân. Chúng ta phải lo từ rất sớm, từ rất xa như vậy. Đến tuổi đi học các cháu được giáo dục tốt, được rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực tốt. Đến tuổi lao động được rèn luyện nâng cao chuyên môn kỹ thuật” – GS.TS Nguyễn Đình Cử đề xuất.

Hiện nay ở nước ta, chất lượng dân số ở các vùng chưa đồng đều. Ở miền núi, vùng sâu vùng xa, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng vẫn chiếm tỷ lệ cao, sự chênh lệch về mức sinh giữa các vùng miền đang có sự chênh lệch đáng báo động. Để thay đổi điều này, vai trò của cộng tác viên dân số ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, họ là người gần dân, hiểu dân và truyền thông cho người dân về việc sinh đẻ có kế hoạch và nuôi dạy con tốt. BS Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chi trưởng Chi cục Dân số tỉnh Hòa Bình cho rằng, cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở.

Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cho cộng tác viên về công tác dân số và phát triển như cập nhật các kiến thức về KHHGĐ,cập nhật các biến động thông tin chuyên ngành, đào tạo các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số. Mặt khác cán bộ dân số và CTV dân số cũng cần cập nhật các kỹ năng truyền để truyền thông cho người dân các chính sách và thông tin về dân số và phát triển” – BS Nguyễn Thị Thu Hiền nêu ý kiến.

Nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư nâng cao chất lượng dân số chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực phát triển đất nước bền vững.

Mời nghe bài viết tại đây: