Sau khoảng 7 tiếng đồng hồ khi bắt đầu có các triệu chứng bất thường, Lê Văn H. -23 tuổi ở tỉnh Hà Giang được gia đình đưa đi cấp cứu vì đột quỵ. Bà Nguyễn Thúy Mỳ- mẹ của H. cho biết, tuy cứu được tính mạng nhưng H. vẫn phải chịu các di chứng của bệnh như liệt vận động, nói khó… “Tự dưng bàn chân khó điều khiển, yếu, sau đó cháu cứ lịm đi thôi, một lúc sau vào hôn mê, tiểu tiện không biết. Khi cháu mới bị choáng đầu, chóng mặt nếu mà cho đi ngay thì còn được giờ vàng, cháu sẽ nhẹ hơn”, bà Mỳ chia sẻ.

Không ít trường hợp giống H. và gia đình chỉ biết ước, giá như phát hiện bệnh sớm, cấp cứu kịp thời thì gia đình và người bệnh sẽ đỡ khổ.

GS-TS-BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, có rất nhiều nguyên nhân trong xã hội khiến cho tỷ lệ đột quỵ ngày càng tăng lên. Theo ghi nhận, bệnh đột quỵ đang gia tăng theo xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Đây là căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng và để lại di chứng nặng nề nếu không kịp thời phát hiện, có xử trí ban đầu đúng và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế.

“Trong những năm qua, Hội Đột quỵ Việt Nam cũng đã tư vấn cho Bộ Y tế về công tác thông tin, tuyên truyền trong cộng đồng về căn bệnh này, những nguy cơ báo động đột quỵ, yếu tố nguy cơ và công tác dự phòng. Mặc dù thế nhưng giao thông không thuận lợi, thông tin đến vùng sâu vùng xa chưa hết được. Chính vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân về các phòng tránh cũng như nhận thức được thế nào là thời gian vàng đến đến các cơ sở y tế để kịp thời can thiệp điều trị”- GS-TS-BS Nguyễn Văn Thông nói.

Trong điều trị đột quỵ có 3 vấn đề chính cần đặc biệt quan tâm đó là cấp cứu đột quỵ, phục hồi chức năng và dự phòng tái phát. TS-BS Nguyễn Hồng Quân- Phó Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam khẳng định, tuyến y tế cơ sở với các bác sĩ có chuyên môn về đột quỵ hoàn toàn có khả năng đáp ứng công tác phục hồi chức năng và dự phòng tái phát đột quỵ. Tuy nhiên, cấp cứu đột quỵ vẫn đang là một vấn đề vô cùng khó khăn tại các địa phương và khu vực.

“Thời gian là não, khó có thể ngay khi phát hiện ra đột quỵ, chúng ta chạy thẳng một mạch từ tuyến địa phương lên tuyến Trung ương để thực hiện các cấp cứu khẩn cấp về đột quỵ được, do đó cần thiết phải có mạng lưới các trung tâm điều trị đột quỵ. Điều này rất quan trọng vì thế Hội Đột quỵ Việt Nam cũng xác định vai trò phải hỗ trợ các địa phương phát triển các trung tâm điều trị đột quỵ ở các vùng miền khác nhau để trong vòng bán kính nhất định, bệnh nhân có thể đến đến được trung tâm đột quỵ ở các vùng đấy. Ví dụ như một bệnh nhân ở Hà Giang, bị đột quỵ đi khoảng 6 tiếng đồng hồ đến Hà Nội thì thời gian vàng đã qua rồi, thời gian cấp cứu đột quỵ đã hạn chế đi rất nhiều”- TS Nguyễn Hồng Quân cho hay.

Các chuyên gia về đột quỵ đều cho rằng, một mạng lưới hệ thống các trung tâm có khả năng điều trị đột quỵ là vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Như chia sẻ của PGS- TS Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc TT Cấp cứu Đa khoa và Đột qụy- BV Trường Đại học Y dược Huế, hiện tại bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường ĐH Y Dược có khả năng cấp cứu đột quỵ tốt tại khu vực miền Trung, tuy nhiên, đơn vị nơi BS Toàn phụ trách vẫn gặp phải một số hạn chế nhất định cần phải có sự hỗ trợ từ Bệnh viện TƯ Huế.

Là một đơn vị trực thuộc cơ sở đào tạo nhân lực y tế lớn tại Huế và khu vực miền Trung, PGS-TS-BS Nguyễn Đình Toàn phải thừa nhận sự khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nhân lực cho chuyên ngành đột quỵ.

“Hiện có 2 vấn đề, đầu tiên là trang thiết bị và thứ hai là nhân lực, đặc biệt là nhân lực về đột quỵ khá khó khăn, đặc thù nghề vất vả, chỉ có nam giới chứ bác sĩ nữ khó. Hiện cũng có các bạn theo đuổi chuyên ngành đột quỵ nhưng vẫn có những hạn chế, điều này không chỉ ở Huế mà còn là thách thức trên toàn quốc” – BS Toàn nhấn mạnh.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Ngọc- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết trong thời gian qua, các cơ sở y tế tại Phú Thọ đã liên tục được Hội đột quỵ VN và các bệnh viện lớn tuyến trung ương đào tạo các kiến thức chuyên sâu về đột quỵ cũng như cập nhật các kiến thức mới liên quan đến đột quỵ. Năm 2019 tỉnh Phú Thọ đã thành lập được Trung tâm đột quỵ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với 120 giường bệnh với 3 đơn vị trực thuộc: Đơn vị Cấp cứu và Điều trị tích cực Thần kinh Đột quỵ; Đơn vị Điều trị Thần kinh Đột quỵ bán cấp và Đơn vị Phục hồi chức năng Thần kinh Đột quỵ. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Huy Ngọc, vì đột quỵ là một bệnh lý phức tạp nên việc cập nhật thường xuyên các phương pháp điều trị mới là rất cần thiết. Hiện công tác đầu tư phát triển chuyên môn sâu đã được chú trọng nhưng cái khó đối với địa phương vẫn là nguồn lực tài chính đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực giỏi.

Các chuyên gia y tế cũng như cộng đồng đều mong muốn nước ta sẽ thiết lập được chiến lược thông tin tuyên truyền về đột quỵ, đồng thời, thiết lập được mạng lưới trung tâm cấp cứu, điều trị nhằm hạn chế số ca tử vong, giảm di chứng cho các bệnh nhân.

Mời nghe tại đây: