Suy tim được chia làm 4 giai đoạn, trong đó những người bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh đái tháo đường, người điều trị hóa chất ung thư, người thừa cân béo phì, hút thuốc lá…được xếp vào nhóm có nguy cơ suy tim (tức là giai đoạn A).

Nếu như ở giai đoạn này, họ không được theo dõi và điều trị đúng thì sẽ chuyển sang giai đoạn B – là giai đoạn mà bệnh lý đã có tổn thương tới cơ tim nhưng chưa xuất hiện triệu chứng. Cũng chính vì chưa có triệu chứng nên bệnh nhân thường không đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị triệt để. Do đó, bệnh sẽ tiếp tục chuyển sang giai đoạn C với một số triệu chứng điển hình như khó thở, mệt mỏi, hồi hộp… Và suy tim giai đoạn D là suy tim giai đoạn cuối, đáp ứng rất kém với điều trị khiến người bệnh phải nhập viện liên tục.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương Thu Anh phụ trách Khoa nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, các biểu hiện của suy tim thường là mơ hồ, không điển hình, vì thế người bệnh thường không đi khám sớm, “có nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi khi bệnh đã ở vào giai đoạn muộn, nghĩa là suy tim đã ở giai đoạn nặng, ra vào viện thường xuyên, liên tục và việc điều trị lúc này rất khó khăn” – bác sĩ Dương Thu Anh cho biết.

Suy tim là tình trạng bệnh lý đòi hỏi bệnh nhân phải được theo dõi, điều trị suốt đời. Việc điều trị đúng cách rất quan trọng vì có thể giúp cho bệnh nhân có cuộc sống chất lượng hơn, sống thọ hơn và giảm nguy cơ đột tử. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân suy tim rất chủ quan, khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm, chất lượng cuộc sống được cải thiện thì lại không tái khám định kỳ, không uống thuốc theo đơn, thậm chí ngưng dùng thuốc. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khiến người bệnh suy tim phải nhập viện.

Bác sĩ Dương Thu Anh cho biết, bệnh nhân suy tim thường sẽ phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Với nhóm mắc suy tim tâm thu (tức là khả năng tống máu đi nuôi cơ thể của người bệnh bị giảm sút) có 4 loại thuốc sẽ cần phải dùng suốt đời, nếu như người bệnh không có chống chỉ định, đó là nhóm thuốc giãn mạch (như ức chế men chuyển, chẹn thụ thể hoặc ARNI), thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc lợi tiểu kháng aldosteron và thuốc ức chế SGLT2…Tuy nhiên để việc điều trị đạt hiệu quả bệnh nhân không nên sử dụng một đơn thuốc trong một thời gian dài mà không đi khám lại.

“Bệnh nhân cần phải tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc vì nếu sử dụng liều thấp thì hiệu quả điều trị suy tim sẽ bị hạn chế. Thứ 2 là những nhóm thuốc này sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, chức năng thận, điện giải đồ. Do đó bệnh nhân cần tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc” - bác sĩ Dương Thu Anh nhấn mạnh.

Người bệnh suy tim cần biết, nếu không được điều trị đúng, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ sẽ suy giảm, thậm chí có thể đột tử. Thế nào là điều trị đúng cách? Theo bác sĩ Dương Thu Anh, đầu tiên bệnh nhân cần phải có trạng thái tâm lý tốt để thích nghi với bệnh tật, chấp nhận sự thật rằng mình bị chẩn đoán suy tim để làm quen với một lối sống mới. Thứ 2 cần tự theo dõi cân nặng hàng ngày để phát hiện mình có đang bị thừa dịch hay không.

“Ví dụ bệnh nhân thấy mình có tình trạng tăng cân nhanh, có nghĩa là cơ thể đang bị tích nước. Trường hợp này cần liên hệ với bác sĩ để điều chỉnh thuốc lợi tiểu giúp hạn chế tình trạng suy tim trở nặng phải nhập viện” – bác sĩ Thu Anh khuyến cáo.

Các thuốc điều trị suy tim có thể làm giảm huyết áp và tần số tim, do đó người bệnh cần đo mạch và huyết áp hằng ngày vào buổi sáng khi ngủ dậy, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn sáng và tập thể dục.

Ngoài dùng thuốc đều đặn, tái khám định kỳ, bệnh nhân cần lưu ý về chế độ ăn uống và luyện tập. Nên ăn giảm muối – đặc biệt đối với những người đang bị thừa dịch. Việc hạn chế muối có thể giúp cho quả tim của người bệnh không phải co bóp một cách gắng sức do có quá nhiều dịch trong cơ thể. Tuy nhiên, cũng không được ăn nhạt tuyệt đối, sẽ gây ra tình trạng thiếu muối, rối loạn điện giải. Nếu đang bị tích nước cũng không nên uống quá nhiều nước.

Một điều cần lưu ý nữa là ngoài điều trị suy tim, người bệnh còn phải điều trị thật tốt các bệnh lý đang mắc kèm. Hãy tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị các bệnh này của bác sĩ, tái khám định kỳ và nên luyện tập phù hợp với sức khỏe.