Theo TS.BS Đỗ Phương Vịnh – khoa Thần kinh, BV Lão khoa TW, sau đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh sa sút trí tuệ ngày càng đông. Đáng lưu ý, trước kia thường gặp ở bệnh nhân 70-80 tuổi nhưng hiện nay có người 40-50 tuổi đã mắc bệnh, thậm chí cả người ít tuổi hơn cũng đến khám vì suy giảm trí nhớ.

Phần lớn những người mắc chứng sa sút trí tuệ thường hay lơ đễnh, khó tập trung, không chú ý vào bất kì công việc gì, kể cả học tập và các việc làm quan trọng. Khi bị suy giảm trí nhớ thì đồng thời nhận thức và tư duy giải quyết vấn đề cũng sẽ bị sa sút theo.

Chính vì thế mà người bệnh thường phản ứng chậm chạp với mọi thứ diễn ra xung quanh, họ không còn khả năng để đáp ứng và giải quyết tốt mọi vấn đề trong cuộc sống. Do đó, kết quả học tập, hiệu suất làm việc sẽ bị giảm đi một cách đáng kể.

Để chẩn đoán bệnh nhân có bị sa sút trí tuệ hay không, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử, thứ nhất là bệnh nhân có bị chấn thương, đặc biệt là chấn thương sọ não hay không, bệnh nhân có bị mắc Covid -19 không. Thứ hai, bệnh nhân có bị áp lực về công việc, tài chính, có dùng ma túy dưới dạng kích thích không?

Nếu bệnh nhân bị sa sút trí tuệ ở mức độ nhẹ thì chúng tôi khuyên bệnh nhân điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, làm việc, học tập, không bị căng thẳng thì 80% có thể trở về bình thường. Đối với các bạn trẻ đến khám, chúng tôi chỉ đặt vấn đề đó là suy giảm trí nhớ. Suy giảm trí nhớ không có nghĩa là sa sút trí tuệ nhưng nếu không được điều trị sớm thì nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ là rất lớn” – TS.BS Đỗ Phương Vịnh cho biết.

Để phòng ngừa bệnh, người trẻ có thể uống cà phê đều đặn bởi cà phê giúp duy trì trí nhớ tốt. Về chế độ học tập, làm việc thì nên điều chỉnh hợp lý, không để gây áp lực quá lớn; làm việc nhưng vẫn nên bố trí thời gian nghỉ ngơi; tránh lạm dụng những chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá, đặc biệt là ma túy. Ma túy và tiền chất của ma túy gây ra hiện tượng sa sút trí tuệ rất nhanh.