30 cán bộ y tế của Bệnh viên Thanh Nhàn trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 là những người đầu tiên của ngành y tế thành phố Hà Nội được tiêm vaccine Covid-19. Để đảm bảo việc tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, BV Thanh Nhàn đã bố trí một khu vục riêng biệt theo nguyên tắc một chiều.

“Đầu tiên là khu tiếp đón ở bên ngoài sẽ tiến hành đo thân nhiệt, đo huyết áp và khu vực chờ trước khi tiêm để đảm bảo giãn cách. Sau đó nhân viên sẽ đưa người được tiêm vào khám sàng lọc, khai báo tiền sử dị ứng và khi đủ điều kiện sẽ chuyển sang phòng tiêm. Chúng tôi có một khu theo dõi sau tiêm 30 phút, có đầy đủ trang thiết bị y tế để sử dụng trong những trường hợp cấp cứu như oxi trung tâm, máy thở, máy theo dõi monitor, hộp chống sốc. Sau khi hết thời gian theo dõi 30 phút thì sẽ đưa người được tiêm đến phòng theo dõi 24 tiếng hoặc trở về gia đình theo đường đi riêng” - BS CK II Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết.

30 nhân viên y tế chia thành 3 đợt tiêm để đảm bảo giãn cách phòng bệnh. Sau tiêm, sức khỏe của tất cả các cán bộ đều ổn định, không xảy ra phản ứng bất thường. Anh Nguyễn Đức Thành – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ: “Tôi rất vui được chọn là một trong những người đầu tiên của Bệnh viện Thanh Nhàn được tiêm. Hi vọng vaccine Covid-19 sẽ sớm được tiêm rộng rãi đến mọi người dân”.

“Bộ Y tế phân bổ cho thành phố Hà Nội 8.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca và trong chiều nay sẽ nhận đủ số lượng.” - bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết. Bệnh viện Thanh Nhàn là đơn vị đầu tiên của Hà Nội thí điểm triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19. Tiếp theo, vaccine này sẽ được tiêm cho khoảng 300 cán bộ của CDC Hà Nội và các nhân viên y tế của Bệnh viện Đống Đa, Hà Đông, Đức Giang và Bắc Thăng Long – là những cơ sở tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong thời gian qua. Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ phân bổ nguồn vaccine về các quận, huyện có danh sách đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, đây là lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch. Mỗi quận, huyện sẽ lựa chọn ít nhất 2 điểm tiêm tại phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc tại một bệnh viện trên địa bàn căn cứ vào số đối tượng cần tiêm của đơn vị mình.

“Tất cả các điểm tiêm đều có mô hình, kịch bản, lịch tiêm cụ thể. Điểm tiêm nào cũng sẽ bố trí lực lượng nhân viên y tế, đặc biệt là một số phòng khám đa khoa khu vực sẽ có các kíp cấp cứu ở các bệnh viện hạng 1 xuống để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.”- Bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm.