Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT 2024) đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và theo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây. Theo bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, nhiều quy định mới giúp mở rộng phạm vi và quyền lợi cho người tham gia BHYT sẽ được quy định cụ thể trong dự thảo này.

Cụ thể, dự thảo Luật lần này đã bổ sung, cập nhật các đối tượng tham gia BHYT theo Luật BHXH mới, nhằm mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT, hướng với mục tiêu đạt 95% đến năm 2030.

“Người lao động ở doanh nghiệp chỉ cần làm việc một tháng là được tham gia BHYT , trong khi ở luật cũ là phải ba tháng. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố cũng sẽ được hỗ trợ mua BHYT, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm theo hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng, chủ hộ kinh doanh, thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng…” - bà Trần Thị Trang thông tin.

Phạm vi quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT cũng được mở rộng, tạo thuận lợi cho người bệnh khám BHYT. Đơn cử, với thủ tục chuyển tuyến hiện vẫn còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người tham gia BHYT. Vì vậy, trong dự thảo lần này, Bộ Y tế đã có những đề xuất nhằm giảm các thủ tục, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định với trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được đến trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất. Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như: ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt...

Thực tế, đa số trường hợp mắc bệnh nan y, tuyến xã và huyện không thể điều trị. Nhưng người bệnh vẫn phải làm theo thủ tục, đến các cơ sở y tế để làm giấy tờ chuyển tuyến mới được hưởng BHYT. Điều này gây phiền hà, thậm chí nhiều người không đủ kiên nhẫn, thời gian chờ đợi mà bỏ tiền túi khám dịch vụ, mất đi quyền lợi hưởng BHYT. Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất với nhóm này, người bệnh có thể đến thẳng cơ sở y tế có chuyên môn để được khám chữa bệnh mà không cần chuyển tuyến.

"Quy định này vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh khám chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới, đồng thời khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện. Chúng tôi cũng sẽ nghiêm cứu kỹ danh mục bệnh được "vượt tuyến", phải là những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được, đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối" - bà Trang cho biết.

Dự thảo cũng đề xuất một số trường hợp dù đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ đâu nhưng nếu khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện cũng hưởng 100% quyền lợi. Đây là điểm khích lệ người bệnh đến với các cơ sở y tế ban đầu.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật BHYT lần này cho phép thanh toán chi phí chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nếu vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, hoặc cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh đã được điều trị ổn định về cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn, hoặc chuyển ngang cấp. Trong khi Luật hiện hành chỉ chi trả cho xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân từ huyện lên tỉnh.

Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang tồn tại ở nhiều cơ sở y tế trên cả nước, khiến người bệnh phải tự bỏ tiền túi ra mua, bà Trần Thị Trang cho biết, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định giải pháp cho những trường hợp này: “Dự án Luật BHYT cũng cho phép điều chuyển thuốc và thiết bị y tế giữa các cơ sở y tế BHYT nếu không có sẵn và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở KCB khác - điều mà Luật hiện hành không chi trả. Trong trường hợp không điều chuyển từ các cơ sở khác được thì cho phép bệnh viện mua lẻ, người bệnh không phải bỏ tiền túi mua….”

Đây là giải pháp khắc phục khó khăn trong đấu thầu đang là vấn đề nóng của xã hội. Tuy nhiên, việc thanh toán trực tiếp cũng không "mở" quá để tránh việc các bệnh viện không chịu đấu thầu, nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân có BHYT.

Với đề xuất quy định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế 100% trong phạm vi mức hưởng đối với người bệnh được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, trong đó có bệnh ung thư, đột quỵ, bại liệt… bà Trần Thị Trang cho biết, hiện quỹ BHYT có hạn trong khi các thuốc điều trị mới ra đời có giá thành cao, do vậy Bộ Y tế đang tính toán kỹ lưỡng về mức hưởng tối đa đối với từng mặt bệnh. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng danh mục thuốc cập nhật và bổ sung thêm các thuốc điều trị mới được BHYT chi trả.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Như vậy, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Hi vọng khi Luật BHYT mới được thông qua sẽ khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.