Từ năm 2019, Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72 đã quyết định lấy ngày 17/9 hàng năm là Ngày An toàn người bệnh thế giới. Theo tổ chức y tế thế giới, hiện nay, ngay tại các nước phát triển, có khoảng 10% người bệnh bị tổn hại sức khoẻ của bản thân do các sự cố y khoa. Chi phí để điều trị hậu quả do các sự cố y khoa gây ra chiếm hơn 14% chi phí chung tại bệnh viện. Do vậy, an toàn người bệnh là vấn đề sức khoẻ cộng đồng mang tính toàn cầu.

Ngày An toàn người bệnh thế giới năm nay có chủ đề “Người bệnh tham gia để bảo đảm khám chữa bệnh an toàn” nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của người bệnh, gia đình và người chăm sóc trong sự an toàn của dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy yên tâm và hoạt động khám chữa bệnh cũng vì thế được an toàn.

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày an toàn người bệnh được tổ chức sáng 15/9 tại Bộ Y tế, thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vấn đề an toàn người bệnh là mục tiêu được quan tâm hàng đầu của ngành y tế.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh triển khai nhiều hình thức như xây dựng các kênh thu thập ý kiến người bệnh; ban hành hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh; Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện; hướng dẫn phương pháp và phần mềm khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế..v.v...

Tuy nhiên, cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, vấn đề an toàn người bệnh ở nước ta cần được quan tâm nhiều hơn và an toàn người bệnh phải bao gồm một chuỗi các vấn đề cần quan tâm chứ không đơn thuần chỉ có hoạt động điều trị.

"Tôi cho rằng không chỉ liên quan đến vấn đề khám chữa bệnh mà phải từ chăm sóc ban đầu, tư vấn cho người bệnh để dự phòng bệnh tật, nếu không may có bệnh thì nên đến khám ở cơ sở nào và từ thời điểm nào. Thứ 2, phải lắng nghe ý kiến từ người bệnh và người nhà người bệnh. Thứ 3, an toàn cho người bệnh là phải đưa ra phác đồ chẩn đoán điều trị kịp thời và phải chăm sóc toàn diện, có nghĩa là phải điều trị cả về tinh thần. Cuối cùng là phải tư vấn hướng dẫn cho người bệnh sau khi ra viện về nhà cần làm gì, đấy mới là an toàn cho người bệnh" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới được kết nối tới 300 điểm cầu là các đơn vị y tế trên toàn quốc. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về An toàn người bệnh. Bộ Y tế mong muốn các cơ sở y tế cùng cam kết xây dựng văn hóa an toàn người bệnh, chung tay hành động và lan tỏa thông điệp của năm 2023 “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh”.