Tại hội thảo, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, mặc dù chúng ta có Luật phòng chống tác hại thuốc lá, có Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, có cam kết tham gia đồng hành của nhiều bộ ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá, tuy nhiên tỷ lệ hút thuốc lá nói chung ở người trưởng thành mới giảm được 2,1% (từ 45,3% năm 2015 xuống còn 42,3% năm 2020).

Với 15,4 triệu người đang sử dụng thuốc lá, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Mức giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá của Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá. Đáng nói, trong 3 năm trở lại đây số người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới đang gia tăng nhanh, đặc biệt trong thanh thiếu niên và phụ nữ.

"Đối với lứa tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá có giảm từ 3,5% năm 2014, xuống 2,7% năm 2022, trong đó nam giới giảm từ 6,3%, xuống 4%, nữ giới tăng nhẹ từ 0,1% năm 2015, lên 0,2% năm 2020" - PGS. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết.

Nguyên nhân của sự gia tăng này là do việc thực thi các quy định pháp luật, xử lý vi phạm còn yếu dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, quảng cáo/khuyến mại thuốc lá, hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm… vẫn còn khá phổ biến. Người có nhu cầu có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới...

Để giảm thiểu tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết căn cứ vào các số liệu của WHO, của các nước và đặc biệt là các số liệu nghiên cứu của VN Bộ y tế đã nhiều lần có văn bản khuyến cáo và đề nghị cấm những sản phẩm này. Bên cạnh đó, theo ông Khuê, quy định về tên thuốc lá tại điểm 1, khoản 2, chương 1 của Luật phòng chống tác hại thuốc lá hiện chưa rõ ràng nên một số cơ quan khi triển khai trong thực tế chưa có các biện pháp mạnh trong việc cấm, xử phạt.

"Quan điểm của Bộ Y tế là cùng các bộ ngành xin ý kiến Chính Phủ để làm rõ hơn trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá ở điều 1, khoản 1, chương 1 để định nghĩa rõ về thuốc lá và có những biện pháp cụ thể ở văn bản, nghị định, thông tư dưới luật để ngăn chặn thuốc lá điện tử đang lan tràn..." - PGS. TS. Lương Ngọc Khuê thông tin.

Trong khuôn khổ của tuần lễ thế giới không thuốc lá diễn ra từ 25 đến 31/5 năm nay, Tổ chức Y tế thế giới kiến nghị các nước thúc đẩy hoạt động truyền thông, kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi phí cho nhu cầu thực phẩm của người dân với thông điệp: "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá’, hay ‘hãy dùng tiền mua thuốc lá để mua thực phẩm cho con bạn".