Tự nhận mình là người làm việc không phải 8 tiếng mà là 24 tiếng đồng hồ/ngày. Bởi công việc kinh doanh nên có khi nửa đêm khách hàng cần thì anh Nguyễn Văn Thành ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng vẫn phải tư vấn và làm việc. Vì thế, ngay cả đến chuyện cơm nước anh cũng muốn tiết kiệm thời gian.
“Dụng cụ trong bếp chắc có đúng cái xoong, bát đũa khả năng chỉ có 1-2 đôi nên có khi còn không nhớ trong bếp có những dụng cụ gì”- anh Thành nói.
Anh nhớ lần nấu cơm gần nhất đã là mấy tháng rồi. Và căn bếp có cũng chỉ để cho đầy đủ mà thôi. Theo anh, ra ngoài ăn có rất nhiều lựa chọn, nhiều món ngon, còn nếu tự nấu thì chỉ biết mỗi làm trứng rán với thịt luộc.
Anh Thành là người từ tỉnh xa đến Hà Nội làm việc và còn độc thân nên chuyện bếp núc xuê xoa đã đành, nhưng ngay cả với một gia đình trẻ mới lấy nhau và ra ở riêng được nửa năm như vợ chồng chị Nguyễn Thu Thảo, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng hầu như nói không với cơm nhà.
“Thứ nhất là nó tiện, đỡ phải nấu, Thứ hai là bản thân mình cũng không biết nấu nướng cầu kỳ. Nói chung là cả ngày đi làm đã vất vả, mệt mỏi nên mình không muốn phải đứng bếp nữa”- chị Thảo lý giải.
Mỗi tháng vợ chồng chị Thảo sẵn sàng chi trả 8-10 triệu đồng để ăn hàng. Và chị cho rằng, chuyện không phải bận rộn nấu nướng sau một ngày làm việc mệt mỏi cũng là cách hai vợ chồng tránh những cơn cáu gắt và va chạm.
Nguyễn Hải Anh ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là sinh viên năm cuối của một trường đại học. Đây là giai đoạn nước rút để tốt nghiệp, ngoài ra cô còn đi làm thêm, rồi gặp gỡ bạn bè để mở rộng mối quan hệ... Nhịp sống của tuổi trẻ có lẽ 24 giờ/ngày chưa bao giờ là đủ. Cô chia sẻ: ban đầu mẹ còn phần cơm nhưng sau nhiều lần cơm canh nguội lạnh và đổ bỏ thì mẹ đã tự động cắt cơm nhà của cô.
Trong một báo cáo kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam vào tháng 3 năm ngoái cho thấy người Việt đang có xu hướng ăn ngoài phố thường xuyên hơn, với 17% số người được hỏi ăn hàng mỗi ngày và gần 30% ăn từ 3 đến 4 lần/tuần. Con số này cao hơn hẳn so với một năm trước đó. Một khảo sát của Q&me cũng chỉ ra người dân thành thị, đặc biệt bộ phận có thu nhập cao ăn ngoài nhiều hơn, với 36% cho biết giảm tần suất nấu ăn tại nhà kể từ sau đại dịch.
Trao đổi với phóng viên VOV2, TS Từ Ngữ - Hội Dinh dưỡng Việt Nam – cho rằng: xu hướng ít ăn cơm nhà sẽ ngày một gia tăng.
“Ngày nay cố gắng giữa được một bữa ăn tối tại nhà là tốt lắm rồi. Nếu tính cá thể phát triển trội hơn tính cộng đồng thì bữa ăn gia đình sẽ bị phá vỡ”- TS Từ Ngữ nhận định.
Và ông đưa ra khái niệm về một lớp người hiện nay là chỉ thích “ăn cho sướng” tức là ăn ngoài quán. Và nếu không giải quyết vấn đề “ăn cho sướng” mà chuyển nhanh sang “ăn cho khỏe” thì có thể dẫn đến nguy cơ cao những bệnh tật do thừa dinh dưỡng như: huyết áp, đột quỵ, tim mạch, tiểu đường.
Vì thế theo ông, mọi người cần hiểu biết đúng về dinh dưỡng để không bị đánh lừa bởi cảm giác ngon và cả những quảng cáo của nhà sản xuất.
TS Từ Ngữ cũng đưa ra một gợi ý trong việc giảm gánh nặng nội trợ đó là tính đến nhóm thực phẩm sơ chế.
“Ví dụ món ốc chuối đậu nếu tự làm ở nhà sẽ rất vất vả và tốn thời gian nhưng mua thực phẩm sơ chế về nấu lên thì lại đơn giản và có thể tổ chức một bữa ăn gia đình nhẹ nhàng”- TS Từ Ngữ nói.
Xin mời nghe bài viết tại đây: