Đó là khẳng định của ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong cuộc trao đổi với Phóng viên VOV2 mới đây.
Theo ông Phạm Kim Đăng, với tổng đàn gia súc lớn hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về chăn nuôi lợn. Năm nay, mặc dù bão lũ đã gây thiệt hại hàng ngàn con gia súc, hàng triệu con gia cầm, song, thiệt hại này chủ yếu tác động đến kế sinh nhai của người dân, chứ ảnh hưởng không đáng kể đến ngành chăn nuôi của nước ta.
Thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt các loại tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tổng đàn lợn tăng 2,4%, tổng đàn gia cầm tăng 2,6%. Với số lượng tổng đàn như vậy hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng tăng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp nhưng về cơ bản đã được khống chế. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính đến ngày 28/10, cả nước đã khống chế được dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, đã có 175.000 con gia súc, gia cầm bị chết phải tiêu hủy.
Việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng đang được Cục Chăn nuôi tăng cường để đảm bảo nguồn cung ổn định. "Với trang trại quy mô lớn, tiếp tục tăng cường , kiểm soát dịch bệnh và khuyến khích các mô hình áp dụng công nghệ cao dể kiểm soát tốt an toàn sinh học; tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giống, cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi. Đối với hộ chăn nuôi sẽ khuyến khích và đồng thời hướng dẫn các chủ vật nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chủ động phòng bệnh bằng phương pháp vệ sinh sát trùng và chủ động giám sát các dịch bênh nguy hiểm để kịp thời cảnh báo và xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hành vi buôn lậu trái pháp các sản phẩm vật nuôi không rõ nguồn gốc, đặc biệt là qua biên giới, những tỉnh mà có nguy cơ buôn bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc từ nước lân cận của Việt Nam..." - ông Phạm Kim Đăng cho biết.
Để mua được thịt có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phạm Kim Đăng khuyến cáo người dân nên mua ở những địa chỉ có uy tín, thịt đã được đóng dấu kiểm nghiệm về chất lượng ATVSTP.
"Đối với hệ thống phân phối thực phẩm đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP như siêu thị, cửa hàng thực phẩm thì trước hết, nguồn gốc của sản phẩm được kiểm soát không chỉ bởi nhà cung cấp mà còn của nhà phân phối. Thứ hai, khi lưu thông, sản phẩm được phân phối trong điều kiện bảo quản về chất lượng, đảm bảo về mặt vệ sinh, không bị ô nhiễm. Chính vì vậy, đó là địa chỉ tin cậy.
Ở chợ dân sinh, nguồn gốc thịt có thể được đảm bảo nhưng cách phân phối và bảo quản của người bán có nguy cơ bị ô nhiễm các loại vi sinh vật, ngoài ra nhận thức của người bán - chủ sạp thịt còn hạn chế nên thường có nguy cơ mất ATVSTP cao" - ông Phạm Kim Đăng khẳng định.
Xin mời nghe bài viết tại đây: