“Vô cùng khó khăn” là cụm từ được bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Trưởng Bộ môn giải phẫu bệnh Trường Đại Học Y Hà Nội nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc chia sẻ với các phóng viên. Theo bác sĩ Nghĩa, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước có nền y tế phát triển, mỗi một sinh viên khi học về cấu trúc cơ thể người đều được học trên học cụ thật đó là xác người hiến phục vụ cho y học. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây nguồn xác hiến vô cùng ít ỏi.

"Khoảng 3 năm trở lại đây trường Đại học Y HN đầu tư rất nhiều, có thể đáp ứng được số lượng thi thể hiến đến 100 xác, bao gồm cả xác tươi lẫn xác khô (là xác ngâm phooc môn) nhưng hiện tại chỉ có chưa đến 20 thi thể…".

Cách đây vài tháng bác sĩ Nghĩa và các đồng nghiệp đã tưởng rằng sẽ tiếp nhận được 1 thi thể do Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức giới thiệu sang, mọi công đoạn chuẩn bị cho việc xử lý thi thể đã sẵn sàng, nhưng đến phút cuối 1 thành viên trong gia đình lại không đồng ý. Vậy là cả năm 2022 Viện giải phẫu không tiếp nhận được thi thể nào.

Mỗi năm có khoảng 700-800 sinh viên các hệ bác sĩ cần học trên xác. Tiêu chuẩn tốt nhất là từ 6 đến 8 sinh viên học trên một xác, nhưng với sự khan hiếm nguồn xác hiến như hiện nay số sinh viên học trên xác cao hơn nhiều.

"Hiện tại các cơ sở ở TP HCM có nhiều xác hiến hơn thì vẫn từ 10-12 sinh viên học trên 1 xác. Thực tế ở đây thì 18-20 sinh viên thực hành trên 1 xác, số lượng sinh viên quây quanh 1 thi thể lớn, ảnh hưởng nhiều đến việc học"- bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.

Thi thể được đào tạo trong sử dụng y khoa có 2 loại, 1 là bảo quản bằng hóa chất – còn gọi là xác khô và loại thứ 2 bảo quản bằng hệ thống tủ lạnh và tủ rã đông – còn gọi là xác tươi. Xác khô dùng để cung cấp kiến thức cơ bản về cấu trúc cơ thể người. Còn xác tươi rất cần thiết trong đào tạo các kỹ năng ngoại khoa.

Mô tả về sự cần thiết của việc học và thực hành trên xác tươi, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, chuyên gia về lĩnh vực phẫu thuật thần kinh cho biết thời ông đi học - cách đây gần 40 năm, hàng trăm sinh viên học trên 1 xác, hàng nghìn sinh viên học đi học lại 1 xác và xác đó lại là xác khô, cấu trúc giải phẫu không còn nguyên.

"Tôi đã làm nghề 30-40 năm rồi vẫn cần học lại trên giải phẫu khi chúng ta có những cái chẩn đoán mới, bệnh mới. Xác của người hiến không may qua đời sẽ giúp cho nhiều người học để nghiên cứu chữa bệnh. Học trên xác tươi mới chuẩn, bác sĩ mới giỏi được" - PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.

Cũng theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, khác với miền Bắc, các cơ sở đào tạo y khoa ở khu vực phía Nam không gặp khó khăn về nguồn xác để phục vụ sinh viên do số lượng người hiến xác sau khi mất khá nhiều. Trước những khó khăn của các cơ sở đào tạo phía Bắc, trường ĐH Y Hà nội đã làm việc với các cơ sở đào tạo y khoa tại TP.HCM về việc chia sẻ xác hiến ra phía Bắc, tuy nhiên vẫn chưa thể thực hiện được do người thân của họ muốn đến thắp hương mỗi tháng.

PGS.TS Hệ mong muốn, mọi người dân trong cộng đồng khi hiểu được ý nghĩa cao cả của việc hiến xác cho y học, hãy đăng ký hiến mô, tạng và nếu không may người thân qua đời hãy hiến xác cho y học để sinh viên y khoa và các y bác sĩ có điều kiện học tập, nghiên cứu và phát triển những kỹ thuật điều trị chuyên sâu, điều trị những bệnh hiểm nghèo.

Cộng đồng quan tâm đăng ký hiến xác cho y học có thể liên hệ đường dây nóng của bộ môn Giải phẫu-Trường ĐH Y Hà nội theo số máy: 034.324848 và trang web hienthithe.com để nhận được thông tin về đăng ký kiến xác.