Gà là món ăn quen thuộc của mọi gia đình. Bên cạnh cách chế biến truyền thống như gà luộc, gà rang, hấp, gà tần… thời gian gần đây gà còn được “ủ muối” bán các chợ truyền thống, chợ online, các nhà hàng. Ngay từ khi xuất hiện, loại gà này đã nhanh chóng được nhiều gia đình ưa thích.

Chị Trịnh Bích Ngọc ở ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Món gà ủ muối có vị ngọt, hơi mặn, thịt dai, da giòn… khác lạ hơn so với các món gà khác nên gần đây, gia đình thường mua về dùng:

“Giờ cảm thấy ăn gà là lành nhất. Những món truyền thống như gà luộc, gà rang thì nhiều khi ăn thấy chán và ngấy rồi, món gà ủ muối này vị lạ miệng, khác đi thì cả nhà ăn ngon, mua về ăn còn hết chứ các món kia hay bị lay lắt… Tôi thường mua của một người chuyên kinh doanh thực phẩm online. Trung bình giá bán 200.000 đồng/con. Thịt gà dày dặn, màu vàng óng, nhìn rất ngon. Chị này chuyên kinh doanh thực phẩm sạch nên có thể tin được mặc dù là cũng không có nhãn mác gì đâu” – Chị Ngọc cho biết.

Nắm bắt tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, nhiều tiểu thương đã sử dụng những chiêu trò để biến hóa gà kém chất lượng thành món gà ủ muối ngon lành. Thử làm phép tính đơn giản như thế này: 1 con gà tươi còn sống, sau khi giết mổ giá bán ngoài chợ đã từ 130.000 đ – 200.000 đ/con. Gà đã qua chế biến lại có giá từ 90.000 đ đến 150.000 đ/con, trên sàn thương mại điện tử, giá bán có loại chỉ 40.000 đ nửa con, vậy nếu họ làm gà ngon thật thì liệu có lãi? Trường hợp này chỉ có thể làm từ gà thải loại, chất lượng kém.

Tại một cửa hàng bán gà ủ muối trên phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội khi được hỏi về tem nhãn của mỗi con gà, chủ cửa hàng đã trả lời như thế này: “Khách cần thì sẽ có, hiện cửa hàng bán sỉ nên không có”.

Mỗi ngày cơ sở này bán hàng trăm con gà ủ muối, thế nhưng chất lượng sản phẩm như thế nào thì chỉ có người bán mới biết.

Hiện nay, trên thị trường bán 2 loại: Thịt gà ủ muối được chế biến từ gà tươi và loại được làm từ gà đông lạnh không có đầu, chân và cánh. Phần lớn là gà không có đầy đủ tem nhãn, ngày sản xuất và hạn sử dụng…

Cuối tháng 5/2021, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã thu giữ hàng trăm kilogram và hàng nghìn sản phẩm gà ủ muối nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Ngô Xuân Dũng – Chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho rằng, gà ủ muối nếu được chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, điều kiện bảo quản lạnh đúng tiêu chuẩn, thì sẽ an toàn sử dụng theo thời hạn khuyến cáo trên tem nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, với gà ủ muối giá rẻ không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng bán tràn lan trên thị trường có nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe.

“Thứ nhất, do đã qua quá trình chế biến hấp, muối, luộc, nhiệt độ thường lớn hơn 100℃, thời gian kéo dài đảm bảo thịt gà chín hoàn toàn nên cơ bản các tế bào vi sinh vật bị tiêu diệt. Tuy nhiên ở nhiệt độ này, một số loại vi khuẩn gram dương sinh bào tử có thể chống chịu với điều kiện nhiệt độ nấu, luộc, hấp. Các bào tử sẽ phát triển trở lại khi gặp điều kiện bảo quản không thích hợp (nhiệt độ bảo quản lạnh thường từ 0 – 4℃).

Thứ hai, sau khi chế biến nhiệt, trong quá trình đóng gói hoàn thiện sản phẩm, một số tác nhân có thể gây lây nhiễm vi sinh vật lên sản phẩm như người chế biến tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, các bề mặt dụng cụ hoàn thiện như mặt bàn, mặt cân…; ngay cả không khí trong phòng hoàn thiện đóng gói sản phẩm cũng là yếu tố gây lây nhiễm vi sinh vật lên sản phẩm” – Ông Ngô Xuân Dũng nhận định.

Tuỳ thuộc vào từng loại vi khuẩn nhiễm trên sản phẩm có thể gây tác động ngộ độc khác nhau. Ví dụ nếu bị lây nhiễm tụ cầu vàng từ người chế biến vào sản phẩm, thì người sử dụng có thể bị nhiễm các độc tố của tụ cầu gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Hoặc nhiễm độc tố của clostridium thì lại gây ra các tác động về thần kinh. Đó là chưa nói đến việc một số tiểu thương có thể “hô biến” một con gà đông lạnh thành một món ăn ngon sẽ cần rất nhiều phụ gia thực phẩm và thậm chí cả hóa chất bảo quản... thì còn gây nguy hiểm đối với sức khỏe hơn nữa.

Vì vậy, mọi người hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm có đầy đủ các thông tin trên tem nhãn bao bì: đơn vị sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

“Một số tiêu chí cảm quan khi chọn: Nhiệt độ bảo quản lạnh phải đảm bảo, trong tủ đông hoặc tủ mát ở nhiệt độ 0 – 4 độ C; bao gói hút chân không phải ôm chặt, không bị dò chân không, lớp bao bì phải ôm chặt lấy sản phẩm” – Ông Ngô Xuân Dũng khuyến cáo./.