Trong năm 2024 cả nước ghi nhận 135 vụ với gần 5000 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 24 trường hợp tử vong. Những con số này là hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố. Trước tình trạng này, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay lấy chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố”.

Theo TS.BS Lâm Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm - Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, Thông điệp của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay lấy chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố” bởi nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, thức ăn trong dịch vụ bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố vẫn thường trực, ở mức độ cao và thường xuyên đe dọa sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng; ảnh hưởng đến an sinh, xã hội. Bên cạnh đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm, thức ăn trong dịch vụ bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quy mô toàn quốc

Có thể thấy rằng, nhiều khi chúng ta rất chủ quan với an toàn vệ sinh thực phẩm mà không lường hết được hậu quả của nó đối với sức khỏe. Khi người tiêu dùng sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm các tác nhân độc hại được đưa vào cơ thể người sử dụng gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng thực phẩm, bệnh không lây nhiễm do thực phẩm. Trường hợp sử dụng thực phẩm có độc gây nên hội chứng cấp tính hoặc mạn tính sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động, nặng sẽ gây tử vong do ngộ độc, suy đa phủ tạng, thận, gan...

Tuy nhiên, TS.BS Lâm Quốc Hùng cũng cho rằng, dù biết thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng khá nhiều người trong cộng đồng (không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế...) vẫn thích sử dụng bởi đó là thói quen tiêu dùng; tính tiện ích của nó do phù hợp với thời điểm và hoàn cảnh sử dụng, loại thực phẩm đa dạng, hấp dẫn. Nhưng điều cơ bản là thức ăn đường phố phù hợp với nhiều người vì đáp ứng nhu cầu về giá trị của sản phẩm khi chỉ cần vài chục nghìn là đã có bữa ăn hợp khẩu vị, đủ dinh dưỡng.

TS.BS Lâm Quốc Hùng cho rằng, để giảm nguy cơ ngộ độc do mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi nguy cơ bùng phát ngộ độc thức ăn tập thể, dịch bệnh do mất vệ sinh an toàn thực phẩm luôn thường trực, cần thường xuyên thực hiện các giải pháp: Kiểm soát sự ô nhiễm thực phẩm toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn; Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành tốt về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm; Duy trì chế độ kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, cần rà soát bổ sung, áp dụng và duy trì đầy đủ các quy định an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở mọi cơ sở, mọi thời điểm và địa điểm kinh doanh. Cần quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bố trí kiểm tra, giám sát thực hiện đối với khu vực kinh doanh thức ăn đường phố; Kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, xử lý nghiêm, công khai các vi phạm theo phương châm không có ngoại lệ.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2025 vừa mới chỉ khởi động chưa lâu và liên tiếp vẫn có những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm bị phát hiện. Vậy nên sẽ có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm trong cả năm, làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ trong 1 tháng để đảm bảo sức khỏe cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình./.