Cụ thể, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, 87% bệnh nhân ung thư vú có yếu tố nguy cơ về tim mạch. Tỷ lệ rung nhĩ cao gấp đôi và nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với người bình thường.
Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật vừa được tổ chức tại TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã dẫn chứng thêm các số liệu, có gần 26% bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung xuất hiện bệnh tim mạch trong 5-10 năm sau chẩn đoán; 43% bệnh nhân ung thư tinh hoàn bị tăng huyết áp so với 31% bệnh nhân nam không ung thư; 4,5% trẻ nhỏ bị ung thư mắc bệnh tim mạch trước năm 40 tuổi, sớm hơn gần 8 năm so với dân số chung.
Khảo sát trên 224.000 bệnh nhân ung thư cho thấy, nguy cơ đột quỵ cao gấp 1,5 lần; suy tim tăng gấp 1,6 lần; thuyên tắc phổi tăng gần 3,5 lần so với dân số chung.
"Do các biến cố tim mạch cao nên tỷ lệ tử vong do tim mạch ở bệnh nhân ung thư cao gấp 2 lần so với dân số chung. Tỷ lệ này thường xuất hiện ở năm đầu tiên, giảm dần ở những năm sau đó. Mặc dù nguy cơ tim mạch trên người bệnh ung thư ở mức trung bình hoặc thấp nhưng sẽ tăng cao đột biến trong giai đoạn phải hóa trị, điều trị”, bác sĩ Hải nói.
Trong khi đó, bác sĩ Phan Thị Hồng Đức, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho hay, một số thuốc điều trị ung thư cũng có nguy cơ ảnh hưởng tim mạch với các tỷ lệ khác nhau. Ví dụ, thuốc ức chế polymer hóa vi ống, kháng thể đơn dòng, tác nhân nhắm trúng đích có thể gây ra bệnh cơ tim, rối loạn chức năng thất trái, chèn ép tim, viêm màng ngoài tim, suy tim…
Với bệnh nhân ung thư lớn tuổi hay tiền căn mạch vành, các bác sĩ hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc hóa trị do có nguy cơ huyết khối, co thắt mạch, thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, viêm động mạch…
Các bác sĩ khuyến cáo, cần đánh giá lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cho bệnh nhân ung thư trước hóa trị để phân tầng nguy cơ, nhận diện đối tượng cần được hội chẩn chuyên gia tim mạch.