Trên thực tế, nội tạng động vật đông lạnh đều là sản phẩm thải loại của nước ngoài, được nhập về nước ta và rao bán như một món hàng đặc sản. Lợi nhuận vì thế được quan tâm hơn là chất lượng

Đáng nói là, nội tạng động vật là món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt. Theo thống kê của tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế OEC, mỗi tháng người Việt tiêu thụ tới 4000 tân nội tạng, nước ta cũng là thị trường tiêu thụ nội tạng lớn thứ 4 thế giới. Và những mặt hàng nội tạng đông lạnh này thường được tiêu thụ tại các quán nướng, lẩu hay quán nhậu với giá thành rẻ.

Vì sao nội tạng đông lạnh lại bốc mùi hôi thối?

Theo ông Ngô Xuân Dũng – chuyên gia công nghệ thực phẩm có rất nhiều nguyên nhân khiến nội tạng đông lạnh dù đông đá nhưng có dấu hiệu biến dạng bốc mùi hôi. Đầu tiên phải kể đến là tình trạng thu mua và sơ chế nội tạng động vật tại các cơ sở giết mổ không đảm bảo. Thông thường nội tạng chỉ được làm sạch sơ trước khi chuyển đến các kho đông lạnh. Điều này không đủ để loại bỏ dịch tiết và chất thải của vật nuôi. Do vậy, các vi sinh vật vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển trên bề mặt nội tạng và gây ra tình trạng biến chất thực phẩm, ôi thiu.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nội tạng thường dính các diềm mỡ, chứa thành phần chất béo sẽ bị oxy hoá rất nhanh dưới tác động của oxi, gây mùi hôi thôi.

Ông Dũng cũng cho biết, sau khi chuyển đến các cơ sở kinh doanh, để phù phép cho nội tạng đông lạnh trở nên tươi ngon và trắng muốt, các cơ sở này sẽ dùng một loại hóa chất có tính tẩy rửa cao để tẩy trắng nội tạng. Các loại hóa chất công nghiệp này thường chứa nhiều tạp chất, độc chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguy hại khi sử dụng nội tạng đông lạnh?

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, nội tạng động vật có hàm lượng chất béo trung bình từ 5 - 7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao. Nếu tiêu thụ quá nhiều nội tạng động vật có thể bị mỡ máu tăng cao dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, gout...

Đặc biệt, những nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng. Khi ăn các sản phẩm từ lợn này chưa được nấu chín sẽ khiến liên cầu khuẩn từ thức ăn xâm nhập vào cơ thể người gây bệnh.

Đặc biệt, ở Việt Nam, theo thống kê có tới 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn gây bệnh trên nội tạng sang thức ăn, nước uống khác trong quá trình chế biến sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn E.coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.

Để phân biệt giữa nội tạng đông lạnh và nội tạng tươi sống, ông Ngô Xuân Dũng đưa ra một vài đặc điểm nhận biết như sau: "Nội tạng động vật tươi thường có màu màu hồng sáng, không bị chảy nước, không bị thâm, không bị nhăn nheo, bề mặt căng đều. Khi thấy nội tạng động vật được ngâm lạnh, vẫn còn cứng do “đóng đá”, tức là sản phẩm đã được để lâu và bảo quản đông lạnh. Nếu ấn nhẹ lên bề mặt nội tạng không thấy có sự đàn hồi, không bị lún thì đó là nội tạng đông lạnh."