Thời đại công nghệ, việc lên mạng xã hội như tìm kiếm các thông tin về chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh đã nên phổ biến. Đây là thói quen của chị Đỗ Thúy Minh - một bà mẹ có hai con nhỏ ở Hà Nội. Có lần, nghe hướng dẫn trên Tiktok về việc cắt một lát khoai tây đắp vào vết tiêm sẽ giúp trẻ đỡ đau, đỡ sốt sau khi tiêm chủng, chị Thúy Minh cũng làm theo. Tuy nhiên, hiệu quả chẳng thấy đâu mà suýt nữa thì chị làm hại con.“Về sau em thấy nhiều mẹ chia sẻ cũng đắp khoai tây như thế và vết tiêm của con bị nhiễm trùng, loét da. May mà con em không bị làm sao” – chị Thúy Minh chia sẻ về một lần trót dại làm theo “bác sĩ Tiktok”.
Sau lần đó, chị Thúy Minh cẩn trọng hơn khi tham khảo các hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ trên mạng xã hội. Chị chọn lựa xem các kênh Youtube, Tiktok, Facebook cá nhân... của các bác sĩ, các chuyên gia y tế uy tín đang công tác tại các bệnh viện lớn để có thêm kinh nghiệm chăm sóc con.
"Bây giờ các bệnh viện đều có trang web. Để biết bác sĩ có thực sự đang công tác tại bệnh viện đó không, có đúng chuyên khoa như giới thiệu trên mạng xã hội không, em sẽ truy cập vào trang web của bệnh viện để kiểm chứng. Và khi xem các video clip mà bác sĩ chia sẻ trên mạng, em sẽ xem đầy đủ từ đầu đến cuối chứ không chỉ xem một đoạn ngắn trên Tiktok" - Chị Thúy Minh cho biết.
Khi bản thân hoặc con nhỏ có vấn đề về sức khỏe, chẳng cần đi khám bác sĩ, nhiều bà mẹ cũng chỉ tra cứu trên Google, Tiktok hoặc vào các hội nhóm trên mạng xã hội để tìm lời khuyên rồi tự chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, bên cạnh bác sĩ thực sự có chuyên môn thì cũng không ít người tự xưng là bác sĩ, là chuyên gia trên facebook, Tiktok và đưa ra những thông tin sai lệch về chăm sóc sức khỏe. Đáng tiếc, rất nhiều bà mẹ đã không kiểm chứng nguồn tin mà áp dụng ngay cho con trẻ. Hậu quả là đã có những trường hợp trẻ bị tai biến do cha mẹ áp dụng các biện pháp điều trị không đúng, thiếu cơ sở khoa học.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, những thông tin sai lệch về việc phòng và điều trị bệnh trên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, tham khảo thông tin về chăm sóc sức khỏe trên internet là điều cần thiết nhưng không thể coi đó là vị “bác sĩ” đáng tin cậy để các bà mẹ nghe và làm theo, nhất là trong việc chữa bệnh cho trẻ nhỏ.
“Bây giờ, mở mạng xã hội ra, người dùng mạng nói chung và các bà mẹ nói riêng phải là “người tiêu dùng thông minh”, phải biết đánh giá thông tin này đúng hay sai, thật hay giả. Chúng ta phải kiểm chứng, không phải một nguồn mà 2 - 3 nguồn khác nhau, chứ đừng vội thấy có vẻ hay hay rồi làm theo thành ra lại hại chính con của mình, đôi khi còn gây ra thảm họa”.
Lấy ví dụ về dịch sởi đang diễn ra, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khi khám cho trẻ mắc sởi, ông nhận thấy hầu hết trẻ mắc bệnh là do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Thực tế cho thấy, những trẻ đã được tiêm đủ hai mũi vaccine hầu như không bị mắc bệnh hoặc nếu có mắc sởi cũng rất nhẹ.
“Hiện nay trên mạng xã hội có những nhóm antivaccine và hậu quả là có nhiều trẻ không được tiêm phòng. Điều đó sẽ gây thiệt thòi cho chính các bé. Bởi vaccine đã được cả thế giới công nhận có hiệu quả trong phòng bệnh. Ở nước ta, vaccine đã góp phần quan trong trong việc xóa sổ bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt… là những căn bệnh rất nguy hiểm. Cho nên các bậc cha mẹ theo trào lưu antivaccine hoặc nghe và làm theo những người không có chuyên môn trên mạng xã hội hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ là điều rất nguy hiểm” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đề cập phương pháp dùng máy sấy tóc để giúp trẻ “tăng đề kháng, vượt ốm không kháng sinh” đang được lan truyền và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng phương pháp này hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
“Da của trẻ rất mỏng manh, có nhiều mạch máu, nếu chúng ta không để ý mà sử dụng chế độ nóng quá thì có thể tổn thương, khô rát da hoặc gây bỏng cho trẻ. Nếu chúng ta giữ đủ ấm cho trẻ rồi thì đâu cần dùng máy sấy tóc làm gì? Các bác sĩ chuyên khoa nhi chúng tôi cũng chưa thấy một hướng dẫn hay luận điểm, luận cứ khoa học nào về việc dùng máy sấy tóc để phòng và chữa bệnh cho trẻ” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Trước thực trạng những bài viết và các video clip thiếu cơ sở khoa học về các vấn đề sức khỏe của mẹ và trẻ nhỏ tràn lan trên mạng xã hội, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, cùng với việc thận trọng và kiểm chứng thông tin trước khi làm theo, người sử dụng mạng cũng nên thể hiện trách nhiệm khi bấm nút “Like” hoặc “Share”.
“Bởi đôi khi chúng ta tiện tay bấm nút “Yêu thích” hoặc “Chia sẻ” sẽ khiến người khác xem được và hiểu nhầm đó là thật và làm theo thì cũng là điều nguy hiểm” – vị bác sĩ chuyên khoa nhi khuyến cáo.