Thông tin tại buổi họp báo nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS chiều 18/11, PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam từ 2010 đến nay đã có sự thay đổi rõ rệt.
Cụ thể, trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,5%; tỉ lệ lây nhiễm qua đường tình dục tăng từ 47,5% trong năm 2010 lên 70,8% và trở thành trở thành đường lây chính.
Trong 9 tháng đầu năm nay, toàn quốc ghi nhận hơn 11 nghìn người nhiễm mới. Đáng lưu ý là gần 70% các trường hợp nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
"Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%). Số người nhiễm từ 15 -29 tuổi tăng từ 32% năm 2016 lên 39,4% năm 2024. Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm tình dục đồng giới nam (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022" - thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.
PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến dịch vẫn diễn biến phức tạp là do còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết chưa đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư. Đây là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống dịch của người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao.
Chính vì vậy, nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12 năm nay, VN chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS” với mong muốn tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Raman Hailevich, Giám đốc quốc gia UNAIDS tại Việt Nam cho biết, ước tính của UNAIDS cho thấy số ca nhiễm mới HIV ở Việt Nam đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. Mức giảm này vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.
"Thành tựu này cho thấy tác động tích cực của việc đầu tư cả cho dự phòng và điều trị HIV của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây cũng là kết quả của những hành động liên tục, mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp nhận và triển khai những sáng kiến mới như trong xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và đẩy mạnh chiến lược không phát hiện bằng không lây truyền (K=K) trong điều trị HIV”, ông Raman Hailevich nói.
Tuy nhiên, với khoảng 1/3 số nhiễm HIV mới ở Việt Nam là người trẻ trong độ tuổi từ 15-24, đại diện UNAIDS cho rằng việc kỳ thị và phân biệt đối xử, sự thiếu hiểu biết về HIV vẫn sẽ là khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.